Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra mưa đá, dông lốc ở nhiều nơi, gây thiệt hại nặng về nhà ở và sản xuất nông nghiệp của người dân. Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, tính đến 16 giờ ngày 3-3, mưa đá, dông lốc trên địa bàn tỉnh đã làm hư hại 317 ngôi nhà, trong đó 1 ngôi nhà bị sập và 316 nhà khác bị tốc mái. Ước tính, thiệt hại trên địa bàn tỉnh Sơn La lên tới hơn 10 tỷ đồng. Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, xã của tỉnh Sơn La đã tiến hành kiểm tra thực tế tại địa bàn. Trước mắt, tập trung huy động các nguồn lực tại chỗ để khắc phục các nhà ở bị tốc mái, tìm kiếm gia súc bị cuốn trôi, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
Hà Nội: Tập trung cao độ cho phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm
Ngày 3-3, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1818/VP-KT, yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tập trung cho phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là huyện Chương Mỹ và huyện Mê Linh quyết liệt, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống, xử lý triệt để dịch cúm gia cầm trên địa bàn, không để dịch lây lan sang các địa phương khác. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn. UBND thành phố yêu cầu Sở NN và PTNT Hà Nội tập trung cao độ cho công tác kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Cà Mau: Công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán
Sáng 4-3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, vừa ký quyết định Công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa, thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh… Theo quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo UBND hai huyện Trần Văn Thời và U Minh xác định, khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực triển khai ngay phương án theo kịch bản ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2 đã được công bố. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 18 nghìn ha lúa bị thiệt hại; lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh hơn 43 nghìn ha đã có hơn 26.400ha báo cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm); hơn 20.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; khoảng 1.000 vị trí sụt, lún ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụt lún, sạt lở với chiều dài hơn 22km; 18 vị trí công trình ngăn mặn vùng ngọt bị soi mọi, rò rỉ đáy… Trước những thiệt hại nêu trên, tỉnh Cà Mau đề xuất Trung ương hỗ trợ hơn 190 tỷ đồng để khắc phục sự cố và thiệt hại do hạn hán năm 2020./.
PV