Nhằm đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, tỉnh Đồng Nai tập trung vào việc thực hiện hơn 180 dự án đầu tư công với nguồn vốn dự kiến hơn 14 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 nghìn tỷ đồng so với năm 2019). Những dự án này chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật như: mở rộng nâng cấp đường; làm hồ, hệ thống thủy lợi; xây dựng hệ thống thoát nước, chống ngập. Khắc phục tình trạng dự án đầu tư công chậm tiến độ của năm trước, tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hạ tầng, giao thông và những dự án đã có mặt bằng sạch; rà soát, loại bỏ những nhà thầu năng lực yếu kém.
Tỉnh yêu cầu các ban, ngành, đơn vị, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn. Các ban, ngành liên quan khẩn trương hỗ trợ người dân tái định cư sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, tỉnh giao một số dự án đầu tư công cho cấp huyện triển khai nhằm giúp địa phương chủ động trong việc đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm đúng lộ trình, sớm đưa các công trình vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Hà Nam: Xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản
Thực hiện chủ trương xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), tỉnh Hà Nam có nhiều giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân; bảo vệ môi trường canh tác nông nghiệp; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông sản. Cùng với đó, tỉnh tích cực xây dựng, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tỉnh Hà Nam hiện có hơn 160 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả và dược liệu tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch; trong đó, 33 mô hình có quy mô từ 3 ha/mô hình trở lên. Đã thành lập mới 15 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ít thành viên chuyên sản xuất rau, củ, quả an toàn. Toàn tỉnh có 24 cửa hàng giới thiệu, bán nông sản sạch. Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm thu nhập ổn định cho người sản xuất; tạo sự chủ động liên kết đối tác giữa doanh nghiệp và nông dân; thống nhất cơ chế quản lý, chuyển giao kỹ thuật, cung ứng vật tư và giá cả. Ngoài ra, tỉnh đã phát triển được vùng nguyên liệu với hệ thống nhà lưới; vùng chuyên canh trồng nông sản đáp ứng các điều kiện về quy trình an toàn thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Lào Cai: Thông quan gần 90 xe container nông sản qua cửa khẩu
Sáng 9-2, Chi cục phó Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Trần Anh Tú cho biết, đã thông quan 87 xe container hàng nông sản tại cửa khẩu này. Theo đó, bắt đầu từ 14 giờ, ngày 8-2, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai thực hiện quy trình thông quan hàng hóa, bảo đảm phòng, chống dịch bện nCoV như sau: các xe container chở hàng hóa nhập khẩu từ phía Trung Quốc vào Việt Nam tập kết ở bãi đỗ sát cửa khẩu, được kiểm dịch y tế phun thuốc khử khuẩn, các tài xế người Trung Quốc được đưa vào khu cách ly cửa khẩu, sau đó các tài xế người Việt Nam sẽ điều khiển xe vào khu bốc dỡ hàng hóa cách ly của Cửa khẩu đường bộ Kim Thành. sxKhi bốc dỡ xong hàng hóa, xe ô-tô được trả lại cho các tài xế Trung Quốc tại điểm đỗ mà các tài xế này giao xe cho phía Việt Nam, ở cửa khẩu. Quy trình này nhằm bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh nCoV lây lan./.
PV