Thành phố Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 có hơn 50 nghìn doanh nghiệp và đến năm 2030 có hơn 75 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan, nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết số 35/NQ-CP (ngày 16-5-2016) của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 1-1-2019) của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Các DN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Đà Nẵng được vinh danh tại buổi lễ. |
Cùng với đó, thành phố chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất và năng lực; thường xuyên quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về việc thực hành đúng chuẩn mực đạo đức công vụ, thực hiện cải cách hành chính, tích cực phòng, chống quan liêu, tham nhũng và các hành vi nhũng nhiễu. Thành phố chỉ đạo các đơn vị duy trì thường xuyên việc công khai quy trình, thủ tục và những cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Đà Nẵng còn khuyến khích thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết trong doanh nghiệp khu vực tư nhân; có giải pháp thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Long An: Cần hỗ trợ người trồng thanh long bị ảnh hưởng dịch nCoV
Ngày 5-2, UBND tỉnh Long An phối hợp Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, để tìm giải pháp tiêu thụ ổn định, bền vững các mặt hàng nông sản của vùng, trong đó có sản phẩm thanh long. Từ sau Tết đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV đã làm cho thanh long giảm từ mức 35 nghìn đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg. Hiện tại, toàn tỉnh còn khoảng 30 nghìn tấn chưa tiêu thụ được. Cty Hồng Thái Dương là đơn vị thu mua với sản lượng lớn chiếm 30-40%, từ ngày dịch bệnh xảy ra, Cty đã hủy khoảng 300 container, Cty Phú Quý cũng hủy khoảng 200 container. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, các Cty đã hủy hợp đồng giá ban đầu và hỗ trợ 4.000 đồng/kg nhưng không nhận hàng và các khách Trung Quốc còn nợ những cơ sở này hơn 100 tỷ đồng.
Để cứu giúp nhà vườn, thương lái, cơ sở thu mua và doanh nghiệp tiêu thụ thanh long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm và phát triển thị trường mới; hỗ trợ các cơ sở mua, chế biến gia hạn nợ vay, giảm lãi vay, giảm thuế, giảm tiền điện... để tiếp tục kinh doanh. Thành lập doanh nghiệp/tổ chức của Việt Nam tại Trung Quốc làm đầu mối phân phối hàng hóa, tìm hiểu thông tin thị trường Trung Quốc giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ, quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản tại các thị trường khác, nhất là tiêu thụ sản phẩm có hợp đồng tiêu thụ với nông dân./.
Theo chinhphu.vn