Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (ngày 3-6-2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tỉnh ủy Bắc Giang đã lãnh đạo các ban, sở, ngành xây dựng đề án đổi mới mô hình phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang đến năm 2030.
Huyện Tịnh Biên (An Giang) tập trung đào tạo lao động gắn với nghề truyền thống của địa phương. |
Hiện, tỉnh có 724 hợp tác xã (HTX); trong đó lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có 466 HTX; lĩnh vực phi nông nghiệp có 238 HTX và có 20 quỹ tín dụng nhân dân. Doanh thu bình quân năm đạt 3 tỷ đồng/HTX; thu nhập của người lao động đạt 65 triệu đồng/người/năm. Các liên hiệp HTX và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, có nhiều đổi mới về nội dung, thích ứng tốt với cơ chế thị trường. Để các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, tỉnh chỉ đạo các ban, ngành chú trọng nâng cao tính liên kết trong sản xuất của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; vận động thành lập mới, giao chỉ tiêu cho mỗi huyện, thành phố xây dựng từ một đến hai HTX kiểu mới. Tỉnh cũng đề ra cơ chế thông thoáng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thành lập HTX; triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên kết; nhất là đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
An Giang: Thu hút lao động nông thôn tham gia đào tạo nghề
Để đạt tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, năm 2019, tỉnh An Giang đã tổ chức 461 lớp đào tạo nghề cho 12 nghìn lao động nông thôn. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn trực tiếp lựa chọn cơ sở đủ điều kiện tổ chức đào tạo nghề để ký hợp đồng; chủ động lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội. Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo nghề, số lao động được tuyển dụng sau đào tạo đạt hơn 80%. Bên cạnh đó, An Giang cũng đã tổ chức các lớp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tỷ lệ được tuyển dụng của đối tượng này đạt hơn 90%. Trong năm 2020, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp nhằm thu hút đông đảo lao động nông thôn tham gia đào tạo nghề như hỗ trợ chi phí đào tạo cho các đối tượng: người khuyết tật, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh. Ngoài ra, lao động nông thôn được hỗ trợ cho vay tín dụng để tự tạo việc làm.
Hải Phòng: Đẩy mạnh thu ngân sách để tăng nguồn lực
Thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị (ngày 24-1-2019) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng xác định mục tiêu tăng tốc, bứt phá dựa trên nguồn lực ngân sách. Thành ủy, UBND thành phố đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng trong năm 2020 để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị.
Để thực hiện mục tiêu, thành phố tập trung điều tiết các khoản thu ngân sách giữa Trung ương, địa phương và có cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị. Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển với các biện pháp áp dụng hệ thống biên lai điện tử, thanh toán trực tuyến giúp các doanh nghiệp có thể nộp phí nhanh gọn. Thành phố sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm bảo đảm việc sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả, đúng luật, đúng dự toán, thực hiện kỷ luật, kỷ cương ngân sách; đẩy mạnh việc giao tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp để giảm mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách. Cùng với đó là rà soát, phân loại, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư để có biện pháp xử lý phù hợp; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong đầu tư công./.
Theo nhandan.com.vn