Kon Tum: Cấp điện cho hơn 70 hộ dân vùng biên giới

08:01, 14/01/2020

Vào lúc 15 giờ ngày 12-1, Công ty Điện lực Kon Tum tiến hành nghiệm thu đóng điện hai điểm dân cư với hơn 70 hộ dân, gồm: Điểm dân cư số 33 thôn 1 và Điểm dân cư số 26 thôn 2 thuộc xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.

Công nhân Công ty Điện lực Kon Tum thi công lưới điện tại xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.
Công nhân Công ty Điện lực Kon Tum thi công lưới điện tại xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Công trình được 50 công nhân thi công gấp rút trong vòng 15 ngày xây dựng mới 1.500m đường dây hạ thế, cấp điện đến một số điểm dân cư chưa có điện và có điện một phần, góp phần hoàn thành chỉ tiêu số 4 nông thôn mới của huyện Ia H’Drai. Đây là sự nỗ lực của Điện lực Kon Tum trong việc cấp điện sớm vượt kế hoạch năm 2020 nhằm thiết thực giúp người dân, đồng bào vùng biên giới có điện ổn định, đón Tết Nguyên đán Canh Tý - 2020 khởi sắc, vui tươi.

Sơn La: Cấp điện cho hàng trăm hộ dân ở miền núi

Sáng 12-1, tại bản Cang, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La) Sở Công Thương Sơn La phối hợp Công ty Điện lực Sơn La tổ chức đóng điện Trạm biến áp bản Cang, thực hiện cấp điện lưới quốc gia cho 323 hộ dân của bốn bản thuộc xã Chiềng Hặc.

Gói thầu cấp điện xã Chiềng Hặc thuộc dự án điện nông thôn của Chính phủ cấp điện cho các tỉnh miền núi chưa có điện (gọi tắt là dự án 2081). Dự án do Sở Công Thương tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư, Công ty Điện lực Sơn La làm tư vấn quản lý dự án, do Công ty Cổ phần Năng lượng Việt Nam thi công. Tổng kinh phí đầu tư gói thầu điện xã Chiềng Hặc là 12 tỷ đồng, thực hiện cấp điện cho 323 hộ dân thuộc bốn bản: Cang, Co Sáy, Pá Hốc, Hang Hốc, gồm bốn trạm biến áp, 8.921m đường dây 35kV, 10.381m đường dây. Các hộ dân được dự án hỗ trợ cấp một công tơ, một bảng điện, một bóng điện và dây sau công tơ đến từng hộ dân. Trong đó, bản Cang có 180 hộ, với 639 nhân khẩu được sử dụng điện. Việc bốn bản cuối cùng của xã Chiềng Hặc và huyện Yên Châu có điện đã giúp cho huyện Yên Châu đạt tỷ lệ 100% số bản có điện lưới quốc gia.

Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có thêm 5.000 hộ dân được sử dụng điện, nâng tỷ lệ số hộ toàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96%.

Đồng Tháp: Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Với định hướng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là khâu then chốt để tạo bước đột phá, phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: Xây dựng chương trình công nghệ sinh học tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030; khắc phục hiện tượng chết xanh và rạn vỏ trên cây quýt hồng tại huyện Lai Vung; tuyển chọn và phát triển giống vừng có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất cây chanh đạt chứng nhận VietGAP tại hai huyện Cao Lãnh và Châu Thành; phát triển các giống lúa ngắn ngày, thích nghi nhiệt độ cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã thực hiện thành công việc nhân giống lúa OM 221 và OM 124...

Tỉnh đang tập trung nhân rộng quy trình sản xuất ớt để nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Thanh Bình; phát triển giống vừng cho năng suất cao, chất lượng tốt tại bốn huyện Châu Thành, Thanh Bình, Tân Hồng và Cao Lãnh. Hệ thống tưới tự động được triển khai tại các vườn trồng nhãn, xoài và cam sành tại hai huyện Châu Thành, Lai Vung và thành phố Cao Lãnh. Hiệu quả từ mô hình này giúp người sản xuất tiết kiệm hơn 25,8 triệu đồng/ha so với áp dụng phương pháp tưới thông thường./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com