Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về phòng, chống dịch nCoV

11:01, 28/01/2020

Chiều 27-1 (mùng Ba Tết), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), hiện đang lây lan nhanh tại Trung Quốc. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan T.Ư.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 27-1, trên toàn thế giới đã ghi nhận 2.797 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 80 trường hợp tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và có 1 trường hợp là cán bộ y tế). So với ngày 26-1, số ca mắc tăng 779 trường hợp, tử vong tăng 24 trường hợp. Kể từ khi công bố trường hợp mắc bệnh đầu tiên cách đây gần một tháng tại Vũ Hán, đến nay đã ghi nhận 50 trường hợp bệnh xâm nhập tới 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, đã ghi nhận 63 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 25 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 38 trường hợp tiếp tục theo dõi cách ly (bao gồm cả hai trường hợp người Trung Quốc bước đầu dương tính với nCoV đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh trong tình trạng ổn định). Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị. Đặc biệt, ngành y tế đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Các cơ sở y tế, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, phòng chống lây chéo trong tại bệnh viện và lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế.

Bộ Y tế đã cập nhật liên tục tình hình dịch nCoV trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ; đã nâng mức đáp ứng cao nhất của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng; tổ chức ứng trực và báo cáo hằng ngày. Việc giám sát và tổ chức khai báo y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc được thực hiện từ 0 giờ ngày 25-1 (mùng Một Tết) tại tất cả các cửa khẩu. Bộ Y tế nhận định mặc dù Việt Nam đã ghi nhận hai trường hợp có xét nghiệm ban đầu dương tính với virus nCoV là người Trung Quốc, đã tổ chức điều tra nhưng đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, cuộc họp hôm nay, với sự tham dự của các cơ quan quan trọng, để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất. Thủ tướng đề nghị các cơ quan thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, gồm cả các biện pháp thế giới đã áp dụng và các biện pháp mới, để các ngành, địa phương triển khai tốt nhất, nhanh nhất, đồng bộ nhất để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa, không để dịch lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Các ý kiến tại cuộc họp đều nhấn mạnh việc tăng cường các biện pháp chống dịch mà như lãnh đạo Bộ Y tế, “để ngăn chặn tốt hơn, cần biện pháp mạnh hơn”. Bệnh nhân mắc virus nCoV có triệu chứng khác với trước kia, có thể chưa phát bệnh cũng lây nhiễm. Có ý kiến nhấn mạnh, phải chuẩn bị sẵn sàng tình huống xấu nhưng không được hoảng loạn. Ngành Y tế phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là căn bệnh nguy hiểm, chưa có vaccine, lây lan nhanh trong khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, khách du lịch nhiều nước, trong đó có du khách Trung Quốc đến Việt Nam đông và chúng ta có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi xuất hiện dịch. Hiện số lượng du khách Trung Quốc ở Việt Nam còn đông. Do đó, có nguy cơ lây lan dịch ở Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu với các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Yêu cầu là chống dịch như chống giặc. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là các ngành chức năng và và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động kiểm soát, đề ra biện pháp trên cơ sở tham mưu của ngành y tế để khoanh vùng. Tiến hành một số biện pháp cần thiết để ngăn chặn hiệu quả dịch lây nhiễm qua các con đường gồm du lịch, đường hàng không, đường thủy, đường bộ.

Bộ Y tế cần có kịch bản để chủ động phòng chống trong các tình huống cụ thể. Nghiên cứu, đưa ra phác đồ điều trị cho các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị trên tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc, có chế độ công tác khắt khe, thường xuyên kiểm tra, có biện pháp dự phòng, chuẩn bị tài chính, bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch.

Thủ tướng nêu rõ việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban; nhấn mạnh thông tin thường xuyên đến người dân, nhất là các biện pháp phòng ngừa chủ động, không gây hoang mang, dao động cho người dân cũng như khuyến nghị không đến các nơi tập trung đông người.

Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, Thủ tướng nêu rõ. Các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính đều có máy đo thân nhiệt để kiểm soát một bước. Bộ Y tế công khai các cơ sở điều trị để người dân biết. Các công ty lữ hành, các hãng hàng không không đưa đón khách đến vùng có dịch. Cấm đi lại ở đường mòn, lối mở. Việc đi lại ở cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính phải được kiểm soát thân nhiệt và những biện pháp khác như khai tờ khai y tế. Nhà nước trang bị khẩu trang cho lực lượng biên phòng, an ninh, hải quan ở cửa khẩu. Nghiêm cấp việc nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam và các vùng trong cả nước.

Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp khảo sát, nắm rõ số lượng người Việt Nam ở Trung Quốc để có phương án khi cần thiết. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com