Đà Nẵng: Tổ chức 16 điểm bán thịt lợn bình ổn dịp Tết Nguyên đán

08:01, 13/01/2020

Trước tình hình thị trường thịt lợn có nhiều biến động, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp với các công ty chăn nuôi, thương mại tại thành phố Đà Nẵng tổ chức các điểm bán hàng thịt heo bình ổn Tết Nguyên đán Canh Tý.

Theo đó, các đơn vị tổ chức 16 điểm bán thịt lợn bình ổn giá tại các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và chợ Túy Loan, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Các doanh nghiệp cam kết sẽ bán hàng bằng giá tại lò mổ, thấp hơn giá thị trường từ 5-10 nghìn đồng/kg. Giá bán được công bố công khai, niêm yết hàng ngày.

Ông Phạm Đắc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Vinh thành phố Đà Nẵng cho biết: “Tết năm nay bán thịt lợn theo sự chỉ đạo của Sở Công Thương, bán thấp hơn so với giá cả thị trường từ 7-10 nghìn đồng/kg. Công ty cũng hết sức cố gắng để kiếm nguồn hàng đủ phục vụ nhân dân trong dịp Tết Canh Tý. Chúng tôi cũng cam kết bán theo giá bình ổn theo thị trường”.

Trà Vinh: Nông dân làng hoa phấn khởi vì hoa Tết trúng mùa, được giá

Mặc dù còn hơn tuần nữa mới vào thời gian bán hoa kiểng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhưng hiện tại thị trường mua bán hoa Tết ở hai làng nghề trồng hoa Vĩnh Yên, Vĩnh Hưng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đã nhộn nhịp.

Ông Lê Văn Hải, người chuyên trồng hoa ở làng nghề Vĩnh Yên cho biết, năm nay các loại hoa đều được thương lái đến tận nơi mua giá khá cao, như: cúc 45 nghìn đồng/chậu, cúc mâm xôi 70-75 nghìn đồng/chậu, cúc tiger 50 nghìn đồng/chậu, hồng 50 nghìn đồng/chậu… Với giá hoa này, bình quân trồng 1.000 chậu hoa, người trồng lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Hiện tại, UBND thành phố Trà Vinh đã chỉ đạo UBND phường 1, phường 3, phường 4, sắp xếp bố trí xong mặt bằng, với khoảng hơn 260 lô bán hoa Tết cho những hộ trồng hoa ở 2 làng nghề và những hộ chuyên trồng hoa trong thành phố.

TP Hồ Chí Minh: Cân nhắc chính sách xây dựng và quản lý các khu dân cư

Theo thống kê, trong giai đoạn 1993-2018, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 770 dự án khu dân cư mới. Phần lớn chủ đầu tư thường chỉ chú trọng hoàn thiện công trình xây dựng nhà ở để kinh doanh trước, còn các hạ tầng thiết yếu như: các công trình công cộng, công viên cây xanh lại chưa phát triển nhiều. Còn với các khu dân cư mới đầy đủ tiện nghi thì quy hoạch lại không như thiết kế ban đầu, dẫn đến hệ lụy về môi trường, giao thông đô thị, ngập nước và các vấn đề về an sinh xã hội khác.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia về phát triển đô thị bền vững của Đại học Việt Đức cho rằng, xây dựng khu dân cư đến thời điểm này vẫn đang nằm trong giai đoạn hình thành cho nên thành phố cần có biện pháp điều chỉnh trong công tác quản lý, trên cơ sở những khu dân cư tương đối hoàn thiện đã có, để làm kiểu mẫu cho các khu dân cư khác.

“Theo tôi, cần nhân rộng những mô hình tốt, tạo điều kiện về mặt pháp lý để cho những bên được tự chủ, sáng tạo, thực thi được những mong muốn của họ. Sẽ tập trung vào hai câu chuyện: hình thành thỏa thuận có tính dân chủ công bằng và hỗ trợ về quá trình thực thi, đây là việc Nhà nước có thể làm được”, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu nói./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com