Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp thăm chính thức Myanmar, sáng 18-12, tại thành phố Yangon, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Công ty Viễn thông Mytel - thương hiệu của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hợp tác đầu tư liên doanh với 2 đối tác địa phương. Sau 18 tháng kinh doanh tại Myanmar, Mytel đã đạt được 8 triệu khách hàng, chiếm 22% thị phần viễn thông di động, đạt vị trí thứ 3 tại thị trường và trở thành một trong những thương hiệu viễn thông có tốc độ tăng trưởng lớn nhất tại Myanmar.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm trụ sở Mytel - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh hiệu quả của Mytel tại Myanmar đã tạo thêm sức mạnh, niềm tin để các nhà đầu tư Việt Nam khác tiếp bước đầu tư tại thị trường này; đồng thời góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị Myanmar - Việt Nam ngày càng gắn bó, phát triển. Thành công của Mytel là một hình ảnh đẹp cùng mục tiêu phát triển, đem lại nguồn lợi cho đất nước và người dân Myanmar. Việt Nam đã đưa những công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất sang đầu tư và chuyển giao tại Myanmar.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan của Myanmar đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Mytel và các đơn vị của liên doanh phát triển, qua đó thúc đẩy mối quan hệ Ðối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar phát triển tốt đẹp. Tin tưởng Mytel sẽ không ngừng phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ; tiếp tục duy trì sự đoàn kết, hợp tác trong liên doanh thông qua quy chế hoạt động chặt chẽ, hiện đại; Thủ tướng mong muốn, Mytel cần tích cực vươn lên thứ hạng cao hơn nữa trên thị trường viễn thông tại Myanmar.
Ngoài lĩnh vực viễn thông, Mytel cần tiếp tục nghiên cứu phát triển các dịch vụ di động, tài chính, Chính phủ điện tử ở quốc gia có nhiều tiềm năng này. Ði liền với đó là tích cực hợp tác và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam kinh doanh tại Myanmar; qua đó lan tỏa tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Cũng tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa HDBank và Viettel Global (Tổng Công ty Cổ phần Ðầu tư Quốc tế Viettel thuộc Viettel).
Theo thỏa thuận, HDBank và Viettel Global sẽ hợp tác lâu dài trên các lĩnh vực: Tín dụng, sản phẩm tiền gửi và các dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Viettel Global sẽ hỗ trợ tối đa cho HDBank và các đối tác, khách hàng các dịch vụ, giải pháp viễn thông và công nghệ thông tin; hợp tác với HDBank trong các dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế... Về phía HDBank, ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa và ưu đãi các dịch vụ tín dụng, sản phẩm tiền gửi và các dịch vụ ngân hàng cho Viettel Global, nhân viên và khách hàng của Viettel Global. HDBank sẽ đồng hành, duy trì khoản tín dụng đã cấp và tạo điều kiện tốt nhất về nguồn vốn, dịch vụ theo nhu cầu triển khai dự án Mytel. Viettel Global được thành lập tháng 10-2006. Ðến nay, Viettel Global là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Viettel Global đã đưa vào kinh doanh và vận hành 10 công ty viễn thông tại 10 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ với tổng dân số hơn 245 triệu người và gần 50 triệu khách hàng.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự khai trương Văn phòng đại diện đầu tiên của HDBank tại Yangon, Myanmar.
Cũng trong sáng 18-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Chi nhánh ngân hàng BIDV Yangon. Ðây chi nhánh ngân hàng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar từ năm 2016.
Báo cáo Thủ tướng về hoạt động của BIDV Yangon, lãnh đạo ngân hàng cho biết, hiện huy động vốn đạt gần 34 triệu USD, dư nợ cho vay đạt gần 50 triệu USD, lợi nhuận đạt 1,5 triệu USD. BIDV Yangon còn là cầu nối, tư vấn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về môi trường đầu tư, quy định pháp lý khi muốn đầu tư vào BIDV.
Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Ngân hàng BIDV tại Yangon, Thủ tướng đánh giá cao BIDV đã cụ thể hóa thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao 2 nước, mở chi nhánh tại Myanmar. Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, ngân hàng cần đẩy mạnh hoạt động cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Theo đó cần ứng dụng công nghệ mới, mô hình quản trị hiện đại trong hoạt động kinh doanh, đáp ứng yêu cầu khách hàng và mục tiêu kinh doanh. Cùng với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng hơn của Myanmar và ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar, Thủ tướng tin tưởng, đây là môi trường thuận lợi để BIDV phát triển./.
Theo chinhphu.vn