Năm 2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt và thực hiện được 205 đề án thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại với tổng kinh phí là 125 tỷ đồng. Với những hiệu quả đạt được, năm 2020, kinh phí dành cho chương trình đã được tăng lên 136 tỷ đồng.
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy xuất khẩu và đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt mốc dự kiến 500 tỷ USD trong năm 2019. Theo thống kê hải quan, trong 11 tháng năm 2019, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,6%).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại có tính dài hạn hơn. |
“Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu quy chuẩn, chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Trong 11 tháng đầu năm 2019, có 31 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm đều đạt mức cao.
Không chỉ hướng đến các thị trường quốc tế, Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia còn đảm nhận nhiệm vụ tăng cường công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và biên mậu, các khu vực biên giới, trong đó có Chương trình đưa hàng Việt về biên giới; kết nối giao thương giữa các địa phương biên giới; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang khu vực biên giới và thị trường của các nước láng giềng cũng như triển khai các hoạt động tại địa phương; các hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới, miền núi và hải đảo đã góp phần thúc đẩy thương mại, tạo lập kênh phân phối cung cấp sản phẩm thiết yếu cho người dân, tạo dựng thị trường vững chắc hơn cho hàng Việt tại thị trường trong nước.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tổng kết sáng ngày 24-12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu thời gian tới, Ban quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên làm công tác xúc tiến thương mại tại các đơn vị.
Đồng thời, Ban Quản lý cần xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại có tính dài hạn, bền vững; các hoạt động xúc tiến tổ chức phong phú, đa dạng hơn tạo sự mới lạ thu hút các đơn vị tham gia cũng như tổ chức trong các chương trình.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì và phát triển thị trường trọng điểm, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn, mang tính định hướng; triển khai các hoạt động đào tạo phát triển sản phẩm chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp./.
Theo chinhphu.vn