Sáng ngày 17-12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 40 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền. Theo dự kiến chương trình, phiên họp kéo dài 1,5 ngày làm việc từ ngày 17 đến hết buổi sáng 18-12.
Tham dự phiên họp còn có các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan, đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Long An, Phú Thọ, Đồng Tháp, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Hòa Bình, Nghệ An.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định một số nội dung theo thẩm quyền. Một là tổng kết kỳ họp thứ tám và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ chín của Quốc hội. Hai là, cho ý kiến về chủ trương xây dựng chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035. Ba là, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2019, đồng thời xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội. Thứ tư, xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh và quyết định thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.
Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, ngành và địa phương và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xem xét việc bổ sung kinh phí mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ ngày 1-1-2018 đến ngày 30-4-2019.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc với nhiều nội dung quan trọng được xem xét, quyết định. Trong đó, các luật, bộ luật, nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận cao, tiếp tục tạo dấu ấn quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành đánh giá kết quả kỳ họp một cách toàn diện, khách quan và chỉ ra những điểm hạn chế cần rút kinh nghiệm để chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, do đây là phiên họp cuối của năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, đơn vị phải gấp rút thực hiện nhiều công việc nhất là việc tổng kết cuối năm nhưng vẫn chủ động tích cực thực hiện và phối hợp chu đáo để hoàn thiện các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình đề án của việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh và 1 quyết định thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đã có 12 Báo cáo thẩm tra 11 Đề án sắp xếp ĐVHC của các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đề án thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông theo 12 Tờ trình của Chính phủ.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình Đề án của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật; đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận sự nỗ lực, tinh thần làm việc nghiêm túc của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị Đề án. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các nội dung đều phải được rà soát một cách kỹ lưỡng, trong đó có việc đảm bảo các tiêu chí đồng bộ, đảm bảo phát triển chất lượng đô thị, không gian đô thị tại các ĐVHC mới.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, đối với các xã mới thành lập thì trụ sở UBND xã sẽ đặt ở đâu; cơ sở vật chất, trung tâm của xã sẽ được sắp xếp như thế nào; các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã đó sẽ ra sao. Đồng thời, về việc đặt tên của các đơn vị hành chính mới, Phó Chủ tịch đề nghị cần thận trọng, xem xét kỹ lưỡng để giữ được những tên cổ, tên đi vào lịch sử.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, đối với ngành Tư pháp, Tòa án và Viện Kiểm sát được sắp xếp theo đơn vị hành chính. Do đó cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát kỹ lại các nội dung, về từ ngữ và kỹ thuật lập pháp đến các vấn đề có liên quan.
Cũng cho ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần đánh giá tác động kỹ của vấn đề hợp nhất, không chỉ đảm bảo về hợp nhất cơ học mà còn đảm bảo về hợp nhất các cơ quan hành chính, về biên chế, lao động, việc làm.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về cơ bản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Đề án do Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với ĐVHC mà địa phương và Chính phủ đề nghị chưa sắp xếp, cần chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật; đối với các ĐVHC thành lập sau sắp xếp mà chưa đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn thì cần đảm bảo hoàn thiện đúng quy định, tránh gây xáo trộn, mất ổn định cho thời gian sau./.
Theo chinhphu.vn