Sóc Trăng: Vinh danh nhóm tác giả gạo ST25 ngon nhất thế giới

08:11, 27/11/2019

Chiều 25-11, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị trao bằng khen và tri ân nhóm nghiên cứu giống lúa ST25.

Trước đó, tại cuộc thi World’s Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới) ở Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo, tổ chức tại Manila, Philippines, nhóm nhà khoa học gồm Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, TS. Trần Tấn Phương và ThS. Nguyễn Thị Thu Hương được vinh danh khi gạo ST25 do nhóm lai tạo đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.

Tại lễ vinh danh, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trân trọng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng nhóm tác giả đã nghiên cứu, lai tạo thành công giống lúa ST25 và đề nghị ngành Nông nghiệp quy hoạch vùng lúa đặc sản, ưu tiên phát triển các vùng sản xuất lúa ST tập trung, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh các công tác phát triển mô hình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, theo hướng hữu cơ…

Yên Bái: Chi 3 tỷ đồng cho 6 sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Yên Bái sẽ chi 3 tỷ đồng hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 6 sản phẩm đặc sản địa phương.

Các sản phẩm được hỗ trợ gồm cam sành Lục Yên (huyện Lục Yên); gạo nếp Tú Lệ; cam Văn Chấn (huyện Văn Chấn); táo mèo Mù Cang Chải; cá hồ Thác Bà và bưởi Đại Minh huyện Yên Bình.

Đây là chương trình nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, mỗi chương trình được hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 500 triệu đồng. Số tiền này dùng để điều tra khảo sát, phân tích mẫu đất, nước, không khí, mẫu sản phẩm; lập hồ sơ trình cơ quan quản lý cấp chứng nhận; các loại phí và lệ phí chứng nhận.

Chứng nhận chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Do đó, các sản phẩm sau khi được đăng ký bảo hộ sẽ mang lại giá trị và uy tín cho các đặc sản địa phương, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người nông dân.

Bắc Ninh: Nâng cao công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, Tỉnh ủy Bắc Ninh luôn chú trọng đổi mới công tác dân vận, quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Cấp ủy các cấp đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách làm việc, phân công rõ người, rõ việc, quy rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; hướng mạnh về cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Từ đó, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng.

Công tác dân vận toàn tỉnh hướng mạnh vào mục tiêu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt quy định lãnh đạo các cấp đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; triển khai phong trào thi đua, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, toàn tỉnh có bốn đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 89 trong tổng số 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân được củng cố và tăng cường. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, thiết thực nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương, giúp tăng mức độ hài lòng của người dân về hoạt động của bộ máy công quyền./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com