Sáng 25-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Toàn cảnh phiên họp |
Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của Luật đã có tính ổn định, bền vững.
Trong dự thảo Luật có bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh.
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật, hồ sơ dự án Luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ðiều 12 Luật hiện hành quy định: Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện Khoa học hình sự (thuộc Bộ Công an), Phòng Kỹ thuật hình sự (thuộc Công an cấp tỉnh), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (thuộc Bộ Quốc phòng). Ðến nay dự thảo luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao”. Các đại biểu băn khoăn, việc bổ sung cơ quan này vào luật có cần thiết và hợp lý không, có phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế hay không?”
Quan tâm đến nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp, một số đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung vào dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để có báo cáo giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật này trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Cũng trong sáng 25-11, Quốc hội tiến hành bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở Ðoàn về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Theo đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (đại biểu Quốc hội đoàn Sóc Trăng), được giới thiệu bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Tiếp theo chương trình làm việc, chiều 25-11, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng báo cáo kết quả thảo luận tại Ðoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Sau khi thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách nhân sự để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử, Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV; Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách để Quốc hội bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách nhân sự để bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử và bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.
Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua các Luật: Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tiếp theo, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV và bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV./.
PV