Ngày 13-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Ðoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy. Mặc dù vậy, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… nên đã hạn chế ý thức về phòng cháy, chữa cháy của người dân ở nhiều nơi, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa.
Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; tính đến tháng 7-2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh, công tác kiểm định và chứng nhận an toàn đối với các phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy được thực hiện nghiêm túc với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, nên các vụ cháy đối với phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về phòng cháy, chữa cháy trên cả nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các vụ cháy, nổ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, giai đoạn 2014-2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án, trong đó có 3.642 phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn có huy động nhiều lực lượng. Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ xử lý được trên 3 nghìn vụ cháy từ khi phát sinh.
Mặc dù vậy, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở vẫn còn tính hình thức hoặc đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do nhiều lý do không được dập tắt kịp thời đã bùng phát thành cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng phòng cháy, chữa cháy chưa thực sự chặt chẽ.
Về công tác xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy, trong đó tập trung xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ mà lực lượng dân phòng giữ vai trò nòng cốt tại địa bàn dân cư theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở còn thấp so với quy định (đội dân phòng đạt tỷ lệ 23%; đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở đạt tỷ lệ 66%; đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành đạt tỷ lệ 63%). Các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chưa được bố trí đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ, bán kính hoạt động quá xa, số lượng cơ sở phải quản lý về phòng cháy, chữa cháy nhiều hơn so với quy định, đã hạn chế hiệu quả hoạt động.
Trong giai đoạn 2014-2018, lực lượng chức năng đã tiến hành 357 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trên 1 triệu 500 nghìn lượt, trong quá trình kiểm tra đã kịp thời phát hiện hàng triệu tồn tại, thiếu sót, ban hành 98.384 công văn kiến nghị. Các địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đối với trên 15 nghìn lượt cơ sở. Trên cơ sở đó đã điều tra đã làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (đạt 85,76%); đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hình sự 66 vụ án với 43 bị can; xử phạt hành chính trên 98 nghìn trường hợp vi phạm với số tiền 206 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp…
Báo cáo của Ðoàn giám sát cũng nêu rõ, hiện toàn quốc đã có 52.771 cơ sở mua bảo hiểm cháy, nổ (chiếm 60%); còn 34.116 cơ sở thuộc diện nhưng chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (chiếm 40%). Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chưa thực sự nghiêm túc do nhận thức, ý thức của người đứng đầu cơ sở còn hạn chế; chính sách bảo hiểm cháy, nổ còn bất cập (mức phí mua bảo hiểm chưa phù hợp đối với từng loại cơ sở, thủ tục mua, đền bù còn phức tạp,…); chế tài, hình thức xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; hoặc một số trường hợp bị cơ sở bán bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm; nguồn kinh phí còn khó khăn đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở kết quả giám sát, những dự báo về tình hình cháy, nổ trong thời gian tới và đặc biệt là qua những hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong quá trình giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh, Ðoàn giám sát đề xuất, kiến nghị đối với Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số giải pháp. Trong đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại; chỉ đạo rà soát, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy; ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị; chỉ đạo bố trí ngân sách phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng cháy, chữa cháy; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy; có chính sách phù hợp khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở phòng cháy, chữa cháy, nghiên cứu, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Cùng với đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật; việc bảo đảm các điều kiện phòng cháy, chữa cháy; hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; công tác xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy, đầu tư kinh phí, mua sắm trang bị, phương tiện, thực hiện chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác./.
PV