Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 11-11, với 88,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Các mục tiêu tiếp theo là phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Ngoài ra, mục tiêu của nghị quyết là củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Ðại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Ðông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đặt ra chỉ tiêu số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2020, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, giám sát chuyên đề. Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Kết luận số 63-KL/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa, phấn đấu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giải phóng mặt bằng cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án giao thông quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, lan tỏa vùng, miền; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài; chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Quốc hội lưu ý Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, diện tích rừng tự nhiên hiện có; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông; phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí; chủ động, kịp thời cung cấp, tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp, người dân, nhất là trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí...
Tiếp đó các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Ðê điều. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Luật Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Ðảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khắc phục những khó khăn bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Dự thảo luật quy định về: nội hàm của đầu tư PPP; mối quan hệ của luật PPP và một số luật cơ bản có liên quan để bảo đảm tính chỉnh thể của hệ thống pháp luật; phạm vi áp dụng; hội đồng thẩm định dự án PPP; trình tự thực hiện dự án PPP; các loại hợp đồng PPP; cơ chế quản lý và sử dụng vốn Nhà nước trong dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án; quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án PPP; các cơ chế đảm bảo của Chính phủ.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng gồm 2 Ðiều (Ðiều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014. Ðiều 2: Ðiều khoản thi hành) được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách, bao gồm: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Ðê điều sửa đổi 19 Ðiều, bổ sung 03 Ðiều và đổi tên Chương IV của Luật Phòng, chống thiên tai; sửa đổi 08 Ðiều của Luật Ðê điều; Sửa tên “Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn” thành “Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để phù hợp với Quyết định 2050/QÐ-TTg ngày 20-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Sửa tên “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” để phù hợp, thống nhất tên gọi từ Trung ương xuống địa phương tại Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Thủy sản. Sửa tên “Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương” thành “Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai” tại Luật Ðê điều. Sửa tên “Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” tại Luật Ðê điều.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 5 chương, 43 điều (giảm 4 điều so với dự thảo Chính phủ trình), quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Dự thảo Luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy. Những nội dung của dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý gồm: giải thích từ ngữ; nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; các hành vi bị nghiêm cấm; thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch; đăng ký quân nhân dự bị; đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên; độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; nghĩa vụ của quân nhân dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên./.
PV