Thanh Hóa: Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

07:10, 15/10/2019

Năm học 2019, điểm trung bình các môn thi trung học phổ thông quốc gia của học sinh trong tỉnh Thanh Hóa cao hơn năm 2018, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân được xác định là do chất lượng giáo dục và đào tạo giữa khu vực miền núi và miền xuôi còn khoảng cách nhất định. Đội ngũ giáo viên vẫn thừa, thiếu cục bộ; chất lượng đầu vào của một số trường, nhất là trường khu vực miền núi còn thấp; công tác quản lý dạy, học chưa đồng bộ giữa các nhà trường; việc quản lý đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa chặt chẽ, chưa thật sự khách quan...

Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tỉnh Thanh Hóa xác định trong thời gian tới sẽ tích cực thực hiện các đề án nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục khu vực miền núi, giáo dục ngoại ngữ. Tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại những giáo viên chưa đạt chuẩn; cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên đã qua đào tạo lại nhưng không đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng tiêu chí cụ thể về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các nhà trường trên tất cả các mặt và giao chỉ tiêu cho các trường; thực hiện tốt công tác thi đua để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách toàn diện. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia của tỉnh đứng trong tốp 20 tỉnh, thành phố có thành tích tốt trong cả nước.

Hà Nội: Tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2019

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 7-10-2019 hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 (ngày 9-11). Kế hoạch nêu rõ, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tập trung vào các nội dung: Quán triệt, phổ biến chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội thông qua trong năm 2019 và các luật có hiệu lực năm 2019; tuyên truyền các lĩnh vực pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; phổ biến, thông tin về cải cách hành chính; đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật.

Cùng với đó là các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội… Theo kế hoạch, cần xác định các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật là việc làm hàng ngày, thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật phù hợp thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức hưởng ứng linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa sâu rộng như: Tổ chức chung khảo cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn thành phố; tổ chức lễ hưởng ứng gắn với tổng kết cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”; trong tháng cao điểm (từ ngày 10-10 đến 10-11) tổ chức hoạt động đối thoại chính sách - pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, doanh nghiệp./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com