Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đã huy động được hơn 32.600 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước có gần 9.000 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình khác hơn 4.500 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 1.600 tỷ đồng và huy động từ nhân dân khoảng 9.800 tỷ đồng... Các cấp ủy đảng, chính quyền đă tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp, sự năng động, sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nguời dân, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ba đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình xác định các nhiệm vụ chủ yếu như: tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, có thêm 10 xã và một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; triển khai thực hiện đề án “Mỗi vùng có một sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn”. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới và định hướng cho giai đoạn sau năm 2020; rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bình Thuận: Kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng, tiêu cực
Chín tháng đầu năm 2019, tất cả cơ quan, đơn vị ở tỉnh Bình Thuận đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, với 7.979 người thực hiện kê khai theo quy định. Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc nộp lại quà tặng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện mới 12 vụ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, Tỉnh ủy Bình Thuận tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn, tập trung vào vụ việc tồn đọng, phức tạp mà dư luận quan tâm. Xử lý nhanh các vụ việc, vụ án mới phát hiện, kiên quyết và kịp thời thu hồi tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra, đồng thời giải quyết nhanh đơn thư khiếu nại, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tỉnh cũng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng; động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, tố giác hành vi tiêu cực, tham nhũng. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; công khai tài sản thu nhập đúng quy định; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, nhất là những vị trí có khả năng tham nhũng cao./.
PV