Tối 26-10, tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương và Lễ hội văn hóa “Ánh sáng Thành Đông”.
Sau hơn 20 năm xây dựng và đổi mới kể từ khi tái lập tỉnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Hải Dương đã trở thành một tỉnh phát triển năng động, là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Kinh tế tỉnh Hải Dương liên tục có những bước tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có gần 14 nghìn doanh nghiệp hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 160 nghìn tỷ đồng. Tỉnh có 10 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động; có 444 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký 8,3 tỷ USD…
Phong trào xây dựng nông thôn mới tại Hải Dương đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới với 190 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 86,4%. Tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2019, sẽ có thêm 5 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới. Các chương trình phát triển đô thị được tỉnh quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật. Trong năm 2019, Hải Dương đã có thị xã Chí Linh được nâng cấp lên thành phố, huyện Kinh Môn được nâng cấp lên thị xã…
Ngày 17-5-2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 580/QĐ-TTg công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương; ngày 16-10-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 788 điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thành phố Hải Dương.
Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có thành phố Hải Dương là đô thị loại I, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương nói chung, thành phố Hải Dương nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với kết quả cao nhất, trong đó triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm; đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tập trung các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm có sức cạnh tranh và phù hợp với điều kiện của tỉnh…
Đồng Tháp: Nêu cao vai trò tự quản trong xây dựng nông thôn mới
Gần 10 năm qua, tỉnh Đồng Tháp huy động hơn 127 nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM). Thông qua các phong trào, cuộc vận động của tỉnh phát động như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Nông dân thi đua xây dựng NTM, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Tuổi trẻ Đồng Tháp chung sức xây dựng NTM... đã thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia hiến đất mở đường, làm trường học, đóng góp ngày công, huy động vốn làm cầu và hàng nghìn công trình dân sinh, phúc lợi.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 55 trong số 119 xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh có kế hoạch huy động thêm 712 tỷ đồng để xây dựng NTM; có thêm 12 xã điểm đạt chuẩn NTM trong năm 2020. Tỉnh chủ động nhân rộng mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM, xây dựng và triển khai mô hình khu dân cư kiểu mẫu, khu sản xuất nông nghiệp mẫu; xây dựng mô hình NTM nâng cao. Tiếp tục xây dựng NTM theo hướng nêu cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ và hợp tác; gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và giảm nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025./.
PV