Nhiều chính sách đã được tỉnh Bắc Cạn thực hiện công khai, đồng bộ, đúng đối tượng, mục tiêu và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, trong 5 năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135 tỉnh đã đầu tư hơn 655 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ trực tiếp cho 24.973 hộ nghèo mua giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất và chế biến; 2.965 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn với số tiền hơn 23 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách...
Nhờ đầu tư bài bản, 100% số xã của tỉnh có đường ô-tô đến được trung tâm; 100% số xã có điện lưới quốc gia; 97,28% hộ dân được sử dụng điện; hơn 60% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, hội trường đa năng… Tỉnh Bắc Cạn có 2 xã và 36 thôn ra khỏi diện đầu tư Chương trình 135; huyện Ba Bể ra khỏi diện hưởng chính sách Chương trình 30a; tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 21%; 15 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2019-2024, tỉnh Bắc Cạn đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 2 đến 2,5% tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 50%, tạo việc làm cho 6.000 người/năm; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới tại các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, phấn đấu bình quân đạt 14,5 tiêu chí/xã.
Tiền Giang: Phát triển vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao
Tỉnh Tiền Giang đang triển khai dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, với tổng vốn đầu tư hơn 2.332 tỷ đồng tại 13 xã thuộc 4 huyện trọng điểm sản xuất lúa gạo của tỉnh. Mục tiêu của dự án là đào tạo được ít nhất 100 cán bộ ngành nông nghiệp, hợp tác xã; nông dân được tiếp cận và có kiến thức, kinh nghiệm trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa gạo.
Có 13 đơn vị kinh tế hợp tác và khoảng 7.000 nông dân được tiếp nhận và vận hành phương pháp quản lý sản xuất lúa thông minh qua phần mềm ứng dụng thông minh, các thiết bị cảm biến, hiện đại, tiến tới hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất với sản lượng lúa hàng hóa 50 nghìn tấn/năm; giá trị sản phẩm gia tăng và lợi nhuận tăng thêm 30% so với sản xuất bình thường.
Để dự án thành công, tỉnh đầu tư nhiều thiết bị như: cảm biến đo mực nước lắp trên kênh nội đồng, bộ cảm biến canh tác ướt khô xen kẽ, hệ thống điều khiển bơm tự động, trạm điều phối nước vào/ra giữa kênh nội đồng và ruộng...
Trong phạm vi của dự án, tỉnh triển khai đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành và nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác kết nối với thu hút đầu tư của doanh nghiệp, quản lý tốt vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn xây dựng nông thôn mới; có chính sách phù hợp hỗ trợ nông dân sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xúc tiến thương mại, gắn kết đầu vào với giải quyết đầu ra theo chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tiêu thụ nông sản hàng hóa./.
Theo nhandan.com.vn