Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước

07:10, 30/10/2019

Ngày 30-10, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Thảo luận toàn thể tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn so với năm 2018, những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, năm 2019 tiếp tục là năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Tống Thanh Bình - Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu; đại biểu Lưu Thành Công - Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long; đại biểu Nguyễn Như So - Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh; Hoàng Văn Trà - Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đồng có chung nhận định và đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân; đảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội…

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhận định, về kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, nền sản xuất nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như dịch tả lợn châu Phi; thiên tai lũ lụt, sạt lở bờ sông; giá nông sản còn thấp; nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm vẫn còn tiếp diễn. Do đó, rất mong Chính phủ có chỉ đạo để khắc phục vấn đề này, đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp. Về tình hình xã hội, các vụ khiếu nại, tố cáo vẫn còn cao, tính chất phức tạp. Vấn đề này cần được xem xét trách nhiệm từ hai phía, phía các cơ quan công quyền và phía nhận thức từ người dân. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá rõ tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu.

Ðại biểu Nguyễn Thanh Xuân - Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, nêu rõ, trong báo cáo của Chính phủ có đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, theo đó: dự báo chính xác khí tượng thủy văn nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn để phòng, chống thiên tai; Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, chuẩn bị sẵn sàng các phương án và điều kiện vật chất cho phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhóm giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên trên thực tế, những kết quả này cón rất khiêm tốn mà đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng; tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô và diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm. Do đó, đề nghị Chính phủ phải có tổng kết cụ thể về tình trạng này để khẩn trương khắc phục. Ðồng thời, năm 2019 Chính phủ đã ký quyết định thành lập vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long với kỳ vọng thúc đẩy kinh tế vùng này, tuy nhiên hiện tăng trưởng kinh tế của vùng còn rất thấp. Do đó kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm của vùng như nông nghiệp công nghệ cao, giao thông cảng biển, logistics…

Cũng tham gia phát biểu tại Hội trường, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, chỉ ra rằng, thời gian qua kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”. Theo đại biểu, với 30 năm, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, chưa ổn định nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn. Ðại biểu cho rằng, nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo kết quả phát triển kinh tế thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình; do đó cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám - Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum và một số đại biểu cũng quan tâm và đề nghị Chính phủ có kế hoạch nâng nâng cao năng suất lao động bằng việc đào tạo chất lượng nguồn lao động và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao tỷ lệ qua đào tạo, nhằm tăng năng suất lao động.

Theo Chương trình làm việc, buổi chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com