Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân hơn 7%/năm. Năm 2030, kinh tế số chiếm hơn 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Đây là mục tiêu thách thức trong bối cảnh xuất phát điểm của Việt Nam còn tương đối thấp, song không phải là không khả thi.
Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông - Nam Á năm 2019 vừa được Google và Temasek công bố, kinh tế số Việt Nam đạt giá trị 12 tỷ USD năm 2019 và có thể bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025. Trước đó, trong báo cáo công bố năm 2018, Google và Temasek đánh giá giá trị kinh tế số của Việt Nam là 9 tỷ USD, thấp nhất trong sáu quốc gia gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Xin-ga-po, Thái-lan và Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế số Việt Nam lại rất cao, đạt 25% mỗi năm, chỉ sau In-đô-nê-xi-a trong khu vực Đông - Nam Á. Còn theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Ô-xtrây-li-a), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD (kịch bản truyền thống) đến 544 tỷ USD (kịch bản chuyển đổi số) vào năm 2045, nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công. Hiểu một cách đơn giản nhất, kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng… mà công nghệ số được áp dụng. Có một điểm đáng lưu ý là báo cáo của Google và Temasek nêu trên chỉ thực hiện ở bốn lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ, chưa tính đến các giá trị do chuyển đổi số mang lại cho nền kinh tế. Do đó, giá trị thực của nền kinh tế số Việt Nam chắc chắn đạt quy mô lớn hơn.
Cho dù trình độ kinh tế số của Việt Nam đang ở đâu, quy mô thực đạt đến mức nào thì dư địa phát triển kinh tế số vẫn còn rất lớn. Theo các chuyên gia, để kinh tế số đóng góp nhiều hơn nữa vào GDP, Việt Nam cần tập trung tháo gỡ ba rào cản. Đó là: Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thiếu đồng bộ ở 63 tỉnh, thành phố và còn chênh lệch số liệu thống kê giữa các địa phương và cấp quốc gia; tính khả thi của chính sách trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ số còn nhiều bất cập; văn hóa kinh doanh còn gây khó cho hình thành các chuỗi giá trị và được bảo đảm. Trong đó, câu chuyện thiếu đồng bộ và tính kết nối về cơ sở dữ liệu thông tin là vấn đề rất nan giải. Bởi chưa nói đến câu chuyện chia sẻ, dùng chung dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, ngay trong nội bộ một cơ quan quản lý Nhà nước, giữa các đơn vị trực thuộc cũng đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau. Thí dụ, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau về đăng ký doanh nghiệp, đấu thầu, doanh nghiệp nước ngoài... nhưng quan trọng là các hệ thống dữ liệu này lại chưa kết nối, liên thông với nhau.
Trong kinh tế số, dữ liệu được ví là nhiên liệu của nền kinh tế. Khi các kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa liên thông thì chưa thể nói đến chuyện phát triển kinh tế số để đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam./.
Theo nhandan.com.vn