Yên Bái: Công nhận Cây di sản đối với quần thể chè shan tuyết cổ thụ Giàng Pằng

08:09, 25/09/2019

Ngày 23-9, UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ đón bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với quần thể chè shan tuyết cổ thụ Giàng Pằng, xã Sùng Đô do Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao.

Hiện, xã Sùng Đô có hơn 70ha chè shan tuyết cổ thụ, tập trung ở thôn Giàng Pằng và Làng Mảnh. Phát triển ở độ cao hơn 1.600m, khí hậu mát lành, cây chè shan tuyết ở đây phát triên xanh tốt, nhiều cây có tán lá xum xuê, gốc hai người ôm không xuể. Diện tích chè shan này chính là nguồn thu nhập của hơn 200 hộ đồng bào Mông, xã Sùng Đô.

Theo những người dân ở đây cho biết, cây chè đã có từ 300-400 năm trước, khi tổ tiên đồng bào Mông đến đây khai sơn, lập bản. Qua khảo sát nghiên cứu của các nhà khoa học, trong diện tích 70ha với 100 cây đầu dòng có hơn 100 năm tuổi. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận quần thể 100 cây chè shan tuyết cổ thụ thôn Giàng Pằng và Làng Mảnh là cây di sản Việt Nam. Như vậy, Yên Bái có hai vùng chè shan tuyết được công nhận Cây di sản Việt Nam tại xã Suối Giàng và Sùng Đô (Văn Chấn).

Sơn La: Lan tỏa “Tiếng Anh cộng đồng”

Năm học 2018-2019, Trường Đại học Tây Bắc nhận được đề nghị từ chính quyền địa phương, con em của người dân trong các cộng đồng dân cư về việc tổ chức dạy tiếng Anh du lịch cộng đồng. Đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, tháng 5-2019, Trường Đại học Tây Bắc đã thông qua Kế hoạch số 461/KH-ĐHTB thực hiện chương trình “Tiếng Anh cộng đồng” hè năm 2019 tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai và Mường La, với 5 lớp học, gần 200 người tham gia. Trường đã chọn 13 sinh viên tình nguyện tham gia giảng dạy. Chương trình nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn cơ sở về cơ sở vật chất, lớp học và sự giúp đỡ của người dân.

Lớp được thiết kế 20 buổi học, hai giờ/buổi vào tối thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Cuối chương trình, người học được đi dã ngoại, thăm các cơ sở du lịch cộng đồng, giao tiếp với người nước ngoài. Riêng tại hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ là nơi có hoạt động du lịch phát triển, trường đã mở 3 lớp, gồm lớp học ở hai xã Đông Sang, Tân Lập và Vân Hồ. Để giúp người dân tiếp cận dễ dàng với những kiến thức, kỹ năng về du lịch, các tình nguyện viên đã sử dụng kiến thức ngành quản trị du lịch lữ hành để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho người học. Chương trình chủ yếu trang bị cho người học kỹ năng giao tiếp, hỏi tên tuổi, hỏi đường, địa chỉ các điểm du lịch… Lớp học tại xã Đông Sang là nơi gắn liền với khu du lịch nổi tiếng Đồi Thông - Bản Áng cho nên không chỉ đông các thanh, thiếu niên đăng ký đến học mà nhiều người lớn tuổi, các chủ nhà hàng, nhà nghỉ homestay tham gia rất sôi nổi./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com