Hà Nội: Trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

07:09, 27/09/2019

Để chủ động nguồn hàng và đảm bảo giá cả trong dịp cuối năm, ngay từ tháng 9, tháng 10, Sở Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa để phục vụ dịp lễ, Tết.

Hiện nay, một số mặt hàng nông sản do tác động của thời tiết, dịch bệnh nên nguồn cung giảm, giá tăng. Đặc biệt, với mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ vẫn còn lo ngại chưa tái đàn nên nguồn cung mặt hàng này suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đang tăng mạnh nên việc thương lái thu gom xuất khẩu cũng khiến giá thịt lợn hơi ở cả ba miền đều tăng, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc có mức tăng khá mạnh (khoảng 10-20%).

Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp hiện đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa để phục vụ dịp lễ, Tết. Ảnh: TTXVN
Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp hiện đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa để phục vụ dịp lễ, Tết. Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nguồn cung mặt hàng thịt lợn đang thiếu hụt vào thời điểm cuối năm nhưng do thói quen tiêu dùng của người dân đã dần thay đổi theo hướng chấp nhận sản phẩm thịt mát bán tại một số siêu thị thay vì sử dụng thịt nóng. Việc thay đổi thói quen sử dụng sẽ giảm áp lực lên nguồn cung những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng, cộng thêm các yếu tố về thời tiết mùa mưa bão, dịch bệnh, chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu. Do đó, để đảm bảo bình ổn giá, các doanh nghiệp đang tích cực dự trữ hàng hóa, nhất là mặt hàng thịt lợn.

Cơ quan quản lý cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thực phẩm với các siêu thị, trung tâm thương mại, qua đó tạo ra đối trọng với thị trường tự do, ngăn chặn hiện tượng sốt giá “ảo”, đồng thời giải quyết khâu tiêu thụ cho người chăn nuôi.

Ninh Thuận: Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm Chăm truyền thống

Để bảo vệ thương hiệu và tạo thuận lợi khi mua sản phẩm thổ cẩm dệt truyền thống của đồng bào Chăm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã triển khai dán tem điện tử thông minh giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng trên điện thoại. Để được cấp tem điện tử, sản phẩm phải trải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ về quy trình sản xuất, chất lượng. Sau khi được ngành chức năng thẩm định, toàn bộ dữ liệu liên quan đến sản phẩm được đăng tải lên internet để thuận tiện cho việc kiểm tra. Chỉ cần dùng ứng dụng trên điện thoại di động thông minh quét mã tem QR code trên sản phẩm, người tiêu dùng sẽ truy xuất được toàn bộ thông tin xuất xứ, mẫu mã sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng, giá cả tham khảo, hướng dẫn bảo quản sản phẩm thể hiện dưới dạng văn bản, hình ảnh, video. Tem điện tử giúp người tiêu dùng biết rõ hơn về sản phẩm, từ đó yên tâm trong quá trình mua sắm.

Thời gian tới, để nâng cao thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Chăm trên thị trường cùng với việc dán tem điện tử cho các sản phẩm của hợp tác xã dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai cấp quyền sử dụng tem điện tử cho các cơ sở sản xuất thổ cẩm của làng nghề dệt Mỹ Nghiệp, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng về trách nhiệm bảo vệ uy tín, chất lượng cho sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com