Tính đến tháng 6-2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 366 tổ hợp tác với 2.713 thành viên, hơn 12 nghìn lao động; 119 hợp tác xã và một liên hiệp hợp tác xã, thu hút hơn 11 nghìn thành viên và gần 5.000 lao động.
Số hợp tác xã hoạt động khá hiệu quả chiếm 61%, hoạt động trung bình chiếm 39%; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, phần lớn các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ, vốn ít, trang thiết bị lạc hậu. Đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã chưa nhạy bén với cơ chế kinh tế thị trường, thiếu đội ngũ cán bộ trẻ kế cận. Tỉnh chưa xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới, quy mô lớn, có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho năng suất và chất lượng tốt. |
Trước tình hình đó, tỉnh xác định thời gian tới sẽ quan tâm, tạo điều kiện thành lập mới các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích hợp tác xã ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm từ nghề truyền thống qua mô hình hợp tác xã kiểu mới. Thực hiện các đề án thí điểm xây dựng mô hình “Hợp tác xã cung ứng nông sản an toàn”, “Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm”…
Đồng Nai: Hơn 4.000 tấn cá bè chết do mưa lũ
Chiều 10-8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai phối hợp chính quyền hai huyện Định Quán và Tân Phú tiếp tục thống kê thiệt hại và hỗ trợ người dân khắc phục do mưa lớn kết hợp Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ và sự cố Thủy điện Đác Kar gây ra.
Cụ thể, tại huyện Định Quán mưa lũ đã gây thiệt hại tài sản của người nuôi cá lồng bè trên sông Đồng Nai. Thống kê sơ bộ, chỉ riêng ở hai xã Ngọc Định và Thanh Sơn đã có 69 bè cá bị trôi, 474 deo bị ảnh hưởng, làm hơn 4.000 tấn cá chết và thoát ra ngoài tự nhiên, ước thiệt hại hơn 140 tỷ đồng.
Trong ngày 10-8, dọc con đường từ xã Ngọc Định đi qua xã Thanh Sơn, hàng chục điểm bán cá vừa được thu gom từ các bè dưới sông lên của người dân, với hy vọng vớt vát được đồng nào hay đồng đó.
Cùng ngày, tại huyện Tân Phú, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau ngập lụt, sửa chữa đường sá bị hư hại do mưa lũ. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là trang trại gà Miền Đông, ở xã Nam Cát Tiên với 100 nghìn con gà bị chết do nước ngập.
Đối với trường hợp ông Phạm Văn Lâm, 58 tuổi, ngụ xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú, bị nước lũ cuốn trôi, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm./.
PV