Tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 30 nghìn ha diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng đặc dụng chiếm hơn 60%, độ che phủ của rừng chiếm gần 20% đất tự nhiên. Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng, các cấp chính quyền ở tỉnh Ninh Bình đã chủ động thực hiện tốt việc giao rừng cho người dân, vừa góp phần bảo vệ rừng vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Cán bộ Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. |
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện đồng bộ. Việc đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân được quan tâm. Tỉnh đã thành lập hơn 20 Ban lâm nghiệp xã với nhiều nhân viên, tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Toàn bộ các thôn, bản có rừng đã xây dựng quy ước bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý ba vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có hai vụ vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng tại gốc và một vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu hơn 2.600m3 gỗ gù hương và một khẩu súng hơi, xử phạt hơn 34 triệu đồng.
Cùng với bảo vệ rừng, việc trồng mới rừng tại các địa phương được thực hiện đúng kế hoạch và có chất lượng. Trên cơ sở công tác tuyên truyền, vận động người dân, hàng năm các huyện, thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch trồng mới và khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng; cân đối, bố trí nguồn vốn và bảo đảm giống cây trồng, phương tiện, lực lượng thực hiện. 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh trồng hơn 518 nghìn cây phân tán các loại và có 232ha diện tích rừng được trồng lại sau.
TP Hồ Chí Minh: Đề ra 3 phương án bù thiếu hụt thịt sau dịch tả lợn châu Phi
Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đang có những phương án để bù thiếu hụt thịt sau thiệt hại dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới. Trong 6 tháng qua, các doanh nghiệp nhập khẩu qua cửa khẩu hải quan ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn 5.600 tấn thịt lợn, tăng khoảng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng thịt lợn nhập nhiều nhất từ các nước Brazil, Hoa Kỳ, Ba Lan... Do nguồn cung trong nước tiếp tục giảm vì ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên thành phố đề ra 3 phương án để đáp ứng nguồn cung từ nay cho đến cuối năm, như: dự trữ, nhập thịt lợn và tìm nguồn cung thay thế…
Trong đó, Vissan luôn dự trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày và nhập thịt lợn nếu có biến động lớn, Công ty CP sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thịt lợn đáp ứng nhu cầu của thành phố, Công ty Ba Huân trữ hơn 200 tấn thịt gà, Công ty San Hà trữ đông 1.500 tấn thịt lợn, gà, tăng 200 tấn thịt gà/ngày, tăng 25 tấn thịt lợn/ngày./.
Theo nhandan.com.vn