Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định dành gần 20 tỷ đồng tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, đối tượng chính sách và một số đơn vị nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh.
Cụ thể, tỉnh dành hơn 19,3 tỷ đồng để tặng 64 nghìn suất quà, mỗi suất quà trị giá 300 nghìn đồng, cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng; bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động cách mạng và hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người hưởng trợ cấp hàng tháng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đoàn thanh niên tỉnh Hải Dương thăm hỏi và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng. |
UBND tỉnh còn tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Khu điều dưỡng thương bệnh binh Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương; Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Hải Dương; Bệnh viện Quân y 7.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng quan tâm thăm hỏi, tặng quà các đơn vị nuôi dưỡng thương, bệnh binh và các đối tượng chính sách (5 triệu đồng mỗi đơn vị) để động viên, khích lệ tinh thần đội ngũ cán bộ, tập thể các đơn vị đã tận tâm chăm sóc người bệnh có công.
Hưng Yên: Sản lượng nhãn chỉ đạt khoảng 32 nghìn tấn
Sản lượng nhãn năm nay của tỉnh Hưng Yên không cao, ước đạt khoảng 32 nghìn tấn, giảm khoảng 20% so sản lượng nhãn năm 2018.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên bắt đầu bước vào thu hoạch hơn 4.000ha nhãn, theo các cán bộ chuyên môn, năng suất năm nay không cao do thời tiết nắng nóng nhiều, làm mất mùa chủ yếu nhãn trồng ven đường, nhãn vườn tạp và một số nơi mới chuyển đổi sang trồng nhãn... Ở những vùng thâm canh cao, chủ vườn nhãn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, điều tiết ra hoa, đậu quả nên cây nhãn vẫn cho năng suất đạt khá.
Năm nay, nhiều huyện, thành phố ở tỉnh Hưng Yên tiếp tục hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP; đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 500ha nhãn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tăng hơn 300ha so với năm 2018. Diện tích nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP tập trung chủ yếu ở huyện Khoái Châu có khoảng 230ha nhãn và Thành phố Hưng Yên gần 200ha…
Năng suất, sản lượng nhãn ở Hưng Yên năm nay thấp hơn năm trước, nhưng giá nhãn lại cao, nhãn đầu vụ có giá từ 30 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/kg; nhãn đường phèn đặc sản có giá hơn 100 nghìn đồng/kg; nhiều chủ vườn nhãn được mùa sẽ thu lợi lớn./.
Theo baotintuc.vn