Tại Quảng trường Giải phóng Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị 1972 và Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức đại lễ Linh thiêng Thành cổ.
Đây là hoạt động tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và đồng bào nạn nhân chiến tranh, hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Tổ chức đại lễ Linh thiêng Thành cổ. |
Thành cổ Quảng Trị gắn liền với chiến công hiển hách 81 ngày đêm năm 1972 với những chiến đấu và hy sinh của hàng vạn quân và dân, góp phần làm nên thắng lợi vang dội trong công cuộc chống địch tái chiếm Thị xã Quảng Trị. Ước tính, địch đã dội xuống đây hơn 328 nghìn tấn bom đạn, tương đương với 7 quả bom nguyên tử. Tại buổi lễ, các tổ chức, cá nhân cũng đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để xây 40 nhà tình nghĩa cho các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
Quảng Ninh: Chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn
Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đào tạo mới, đào tạo lại cho khoảng 170 nghìn người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 30%, trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên chiếm 50%, chuyển đổi nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ chiếm 20%. Đến năm 2020, tỉnh sẽ có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đầu tư nâng cấp 3 trường có nghề đạt cấp độ quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, tỉnh nâng công suất đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và định hướng cho đơn vị đầu tư mở mã ngành đào tạo đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng dịch vụ, công nghiệp. Tỉnh định hướng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, dịch vụ. Cùng với đó là đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, đào tạo nghề nông thôn vào làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tập trung tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo nghề, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho thanh niên, giảm tỷ lệ thất nghiệp..., bảo đảm số lao động qua đào tạo đạt 84-89%.
Với mục tiêu bình quân mỗi năm toàn tỉnh giới thiệu, tạo việc làm cho 15.700 lao động, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động đặt hàng đào tạo với cơ sở đào tạo, cung cấp thông tin tuyển dụng đối với các trường, trung tâm dịch vụ việc làm./.
Theo SGGP