Sáng ngày 10-6, mở đầu tuần làm việc cuối tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 với 92,15% đại biểu Quốc hội tán thành.
Qua lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề, đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” với tỷ lệ 79,13% để tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020). Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi giám sát đối với chuyên đề về trẻ em, theo đó, nên chọn tên chuyên đề là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em”; đồng thời, cần xác định rõ phạm vi về mặt thời gian thực hiện giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng xâm hại trẻ em thời gian vừa qua đang là vấn đề nóng của xã hội, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Việc lựa chọn nội dung chuyên đề theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả của chuyên đề và phù hợp với thời gian, nguồn lực của Quốc hội. Bên cạnh đó, Luật Trẻ em mới được ban hành tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực kể từ tháng 6-2017, nên các chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em đang tiếp tục được triển khai thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục giao các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát, trường hợp cần thiết sẽ tổ chức các phiên giải trình để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Trẻ em. Về phạm vi thời gian giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát trình Quốc hội xem xét, quyết định (vào ngày 14-6-2019).
Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 với 446/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,15% tổng số đại biểu Quốc hội. Nghị quyết quy định, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2020; báo cáo về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp. Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).
Cũng trong sáng 10-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, qua gần 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của 2 Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, cụ thể: Đối với Luật Tổ chức Chính phủ, việc giao Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm giảm tính chủ động của địa phương trong việc tổ chức và thành lập các cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện, đặc điểm, đặc thù ở mỗi địa phương... Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số quy định của Luật về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Luật chưa có quy định để tạo cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn không được phân cấp, ủy quyền nhằm tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với những quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về phân cấp, phân quyền; về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện từ 2 Phó Chủ tịch xuống còn 1 Phó Chủ tịch. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, để bảo đảm hoạt động của HĐND không nên giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND, nhất trí với phương án 2 đề nghị giữ nguyên như hiện hành.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, cần có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện. Đại biểu phân tích, theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Thường trực HĐND gồm Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định Thường trực HĐND gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch. Như vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã nâng chức danh Ủy viên Thường trực HĐND lên Phó Chủ tịch HĐND để thuận tiện cho trao đổi công việc, không làm tăng biên chế. Qua quá trình thực hiện, HĐND đã phát huy tốt nhiệm vụ góp phần phát huy hiệu quả của HĐND. Do đó, việc giảm một Phó Chủ tịch HĐND cần phải được cân nhắc thận trọng, đại biểu nói. Mặt khác phương án giảm Phó Chủ tịch HĐND "cào bằng" ở tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là không hợp lý, không có tính thuyết phục. Theo đại biểu, việc thực hiện tinh gọn bộ máy phải bảo đảm được 2 mục tiêu song song là bộ máy tinh gọn, không tăng biên chế nhưng phải bảo đảm hiệu quả hoạt động, nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả và dẫn đến việc phải sửa luật thường xuyên. Theo quy định tại Điều 82 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch HĐND giúp việc cho Chủ tịch HĐND trong điều hành phiên họp. Nếu chỉ có một Phó Chủ tịch HĐND trong trường hợp đột xuất, bất khả kháng xảy ra không thể tham gia phiên họp của HĐND thì không có nhân sự thay thế để thực hiện các công việc. Trong thực tiễn, các cơ quan dân cử cần tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời yêu cầu của cử tri và nhân dân đối với cơ quan dân cử ngày càng cao, do đó, cần giữ số lượng đại biểu chuyên trách như hiện hành là 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác giám sát, chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị.
Trong khi đó, đề cập đến số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị, cần xem xét số lượng cấp phó này trong tổng thể các chức danh và tổ chức bộ máy HĐND cùng cấp và trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua. Theo đại biểu, dự thảo Luật cần quy định rõ về tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách trong tổng số đại biểu, đây chỉ là tỷ lệ để bảo đảm tổ chức bộ máy của HĐND hoạt động mang tính chuyên nghiệp. Đại biểu Trần Văn Lâm đặt vấn đề, tại sao Quốc hội yêu cầu tới đây phải nâng tỷ lệ chuyên trách, còn địa phương lại đặt nặng vấn đề giảm biên chế để quy định theo chiều hướng giảm đi? Khi xác định rõ số đại biểu HĐND chuyên trách thì mới có căn cứ xác định số lượng Phó Chủ tịch, Phó ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Nếu bộ máy bố trí cấp trưởng là chuyên trách thì cũng chỉ nên bố trí một cấp phó chuyên trách để hỗ trợ. Việc giảm một Phó Chủ tịch HĐND huyện, tỉnh không nên cứng nhắc, chỉ quy định “cứng” về biên chế chuyên trách HĐND. Còn tùy điều kiện tình hình, về quy mô, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn mà bố trí từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch cho phù hợp. Số lượng cấp phó ở đây sẽ nằm trong tổng khung số lượng cấp phó đã quy định ở từng cấp, đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội; Bộ sẽ tiếp thu nghiêm túc, chính các các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện Dự luật. Giải trình rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Luật sửa đổi lần này đẩy mạnh vấn đề phân cấp, phân quyền của Chính phủ, các bộ, ngành và ủy quyền thực hiện nhiệm vụ giữa Trung ương và địa phương. Do đó, vấn đề phân cấp, phân quyền theo Dự luật lần này có mở rộng về phạm vi và đối tượng. Về quy định khung, sẽ khắc phục được việc giao cứng các cơ quan chuyên môn như trước đây; quy định rõ số biên chế tối thiểu và cấp phó tối đa nhằm thu gọn đầu mối trên cơ sở đa nhiệm vụ, đa chức năng; giảm biên chế trên cơ sở giảm đầu mối.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra và các đơn vị hữu quan hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Chiều ngày 10-6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Có 420/445 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,78% tổng số đại biểu Quốc hội. Với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Nghị quyết quy định bổ sung Điều 1a vào sau Điều 1 của Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Trong đó, Điều 1a quy định việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: Cụ thể, kể từ ngày 10-6-2019 đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua.
Tiếp tục chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Về vấn đề đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, đánh giá cán bộ, công chức là một khâu có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ. Kết quả đánh giá công chức là một trong những cơ sở quan trọng trong bố trí sử dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, cũng như để loại bỏ cán bộ, công chức không đủ năng lực, ý chí phẩm chất ra khỏi bộ máy Nhà nước. Theo đại biểu quá trình đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua chưa đáp ứng được như mong đợi. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tổng hợp từ các địa phương, chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Dư luận đang nghi ngờ về tính chính xác của số liệu này. “Cử tri còn nhớ, Thủ tướng đã có lần nói rằng, khoảng 3% cán bộ, công chức ở tình trạng “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, điều đó cho thấy công tác đánh giá cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa bám vào kết quả cụ thể, các tiêu chí đánh giá còn nặng định tính nên chung chung chưa định lượng được”. Đại biểu Tô Văn Tám cũng cho rằng, Dự thảo lần này có bổ sung quan trọng tại Điều 56 đã quy định các nội dung đánh giá công chức khá rõ, đã lượng hóa được một số nội dung. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định về phương pháp đánh giá để có kết quả đánh giá chính xác. “Đề nghị bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ, công chức theo hướng dựa trên kết quả điều tra, sát hạch định kỳ, hay thăm dò ý kiến nhân dân, hay bỏ phiếu”.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) thống nhất cao việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Song bên cạnh các kết quả cụ thể, đại biểu Trương Thị Yến Linh cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định công chức có nhiệm vụ thống kê số lượng đầu công việc đã xử lý trong năm, bao gồm cả công việc chuyên môn gắn với vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các nhiệm vụ khác được lãnh đạo giao nhằm mang tính định lượng, góp phần xác định hiệu quả công tác của công chức, qua đó xác định hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan, đơn vị. Theo đại biểu Linh, có như vậy mới khắc phục được tình trạng làm nhiều sai nhiều, không làm không sai, hoặc chọn việc mà làm của một bộ phận công chức hiện nay; đồng thời tiến tới nâng cao hơn nữa chất lượng công chức, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan, đơn vị, cũng là hiệu quả đầu tư của ngân sách Nhà nước trong thời gian tới./.
PV