Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết, cho ý kiến 2 dự án Luật

07:06, 12/06/2019

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 11-6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường và nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 5 Chương, 47 Điều. Tại phiên thảo luận, các đại biểu quan tâm về tên gọi của Luật là "Luật Lực lượng dự bị động viên" hay "Luật Dự bị động viên" hoặc "Luật Xây dựng, sử dụng dự bị động viên" để bao hàm hết nội dung dự thảo Luật.

Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) cho rằng, sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên chưa được thể chế, cụ thể hóa. Nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đại biểu, việc xây dựng Luật là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Cho rằng, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên đã thực hiện được hơn 20 năm, xã hội cũng như nền kinh tế đất nước ta đã có sự dịch chuyển sâu sắc từ kinh tế tập trung sang nền kinh tế nhiều thành phần và có tác động đến toàn bộ quan hệ xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Chương (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ đặc điểm này, đánh giá tác động để đưa ra các nội dung cho phù hợp với thực tiễn, phù hợp với sự vận động, phát triển của đất nước ta hiện nay.

Theo các đại biểu, chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị quy định trong Pháp lệnh không phù hợp với thực tế mặt bằng thu nhập chung của xã hội; chưa bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng được hưởng trong cùng hoàn cảnh, cùng điều kiện và chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Mặt khác, Pháp lệnh chưa quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với người được huy động phục vụ nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên… Do đó, việc nâng Pháp lệnh thành Luật Lực lượng dự bị động viên tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là điều cần thiết. Một số ý kiến cho rằng, cần thay đổi tên gọi vì tên trong dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến yếu tố con người chứ chưa đề cập đến vấn đề tài chính...

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho rằng, sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên, các đơn vị, địa phương không có vướng mắc gì về tên gọi. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên tên gọi như dự thảo.

Giải thích về ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định vị trí, vai trò, quyền hạn, chức năng của lực lượng dự bị động viên vào Luật, Bộ Quốc phòng cho rằng, lực lượng dự bị động viên là một thành phần của Quân đội; vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng này thống nhất với vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của Quân đội đã được quy định tại Điều 66, Hiến pháp năm 2013.

Tại khoản 2, Điều 25 Luật Quốc phòng cũng quy định: Quân đội nhân dân có chức năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động quần chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lao động sản xuất kết hợp với kinh tế - xã hội; tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội giữ nguyên chức năng, quyền hạn của lực lượng dự bị động viên như trong dự thảo Luật.

Về chế độ chính sách trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, việc bảo đảm chế độ chính sách cho quân nhân dự bị và chủ phương tiện được huy động là nội dung quan trọng trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Quân nhân dự bị được biên chế về các đơn vị dự bị động viên được xây dựng huấn luyện, kiểm tra, sát hạch chiến đấu từ thời bình, bổ sung cho Quân đội khi cần thiết. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, quy định bổ sung chế độ chính sách, nhất là điều chỉnh phụ cấp của quân nhân dự bị theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ bù đắp sức khỏe cho quân nhân dự bị, bảo đảm thu nhập cho lao động lực lượng dự bị động viên là cần thiết và phù hợp...

Tiếp tục chương trình làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Sau đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội họp để thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Phiên làm việc chiều, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thư viện.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Kết quả biểu quyết cho thấy: có 443/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,53% tổng số đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Nghị quyết giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017 theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1526/BC-UBTCNS14 ngày 17-5-2019 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, nhất là trong việc phân bổ, giao vốn, sử dụng, quản lý, quyết toán các công trình, dự án đầu tư công và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017; chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm các quy định về phân bổ, giao dự toán, điều hành chi để hạn chế thấp nhất việc phải chuyển nguồn kinh phí; ứng trước và thu hồi vốn ứng trước dự toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; đẩy nhanh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước 31-12-2014; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giám sát và tổng hợp kết quả việc xử lý nợ đọng; cương quyết không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương vi phạm. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và tham nhũng. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước niên độ 2017 khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thư viện, đại biểu Đoàn Thị Hảo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Dự luật, góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, theo đại biểu, chính sách đầu tư cho hoạt động thư viện cần quy định rõ hơn nữa việc Nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển thư viện; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực nhân lực phát triển thư viện... Đồng thời cần quy định rõ thư viện cộng đồng vào trong luật, để thư viện cộng đồng có thể duy trì và phát triển.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục phân tích đánh giá để chỉ ra nguyên nhân vì sao thiết chế thư viện vẫn kém còn phát triển trong thời gian qua, từ đó đưa ra chính sách phát triển thiết chế thư viện trong thời gian tới cho phù hợp. Đồng thời dự báo khả năng thu hút các nguồn đầu tư để phát triển thư viện tư nhân, phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa, thông tin của xã hội của các vùng và các địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ chế tài chính, mức độ tài chính, tự chủ tài chính, đào tạo nhân lực của các thư viện công lập khi mới ra đời để tránh tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, lạc hậu về nguồn tài liệu.

Cũng quan tâm đến chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, rất nhiều nước đã ban hành Luật Thư viện với tinh thần chung là khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, giáo dục, phát triển con người. Do đó, dự luật Thư viện của Việt Nam cũng cần quy định và phân biệt sự đầu tư của Nhà nước ở ba mức độ: ưu tiên, bảo đảm, hỗ trợ. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng, thư viện trường học có vai trò quan trọng đối với mỗi học sinh, sinh viên, tuy nhiên thư viện trường học ở nước ta trong thời gian qua không thu hút được sự quan tâm của học sinh, do đó trong Dự luật này cần nghiên cứu và quy định rõ đối với thư viện trường học các vấn đề sau: tên gọi của các thư viện; đối tượng phục vụ của thư viện; cán bộ làm công tác thư viện; trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hướng dẫn hoạt động...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giải trình, làm rõ một số nội dung mà các đại biểu quan tâm./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com