Chiều 5-5, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khánh thành Trung tâm Báo chí thành phố.
Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 1049/QĐ-UBND ngày 18-3-2019 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm Báo chí đầu tiên ở Việt Nam thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ liên quan đến các hoạt động báo chí. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm Báo chí thành phố là đầu mối kết nối giữa lãnh đạo các cấp của thành phố và các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác các hoạt động của thành phố.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, với phương châm “truyền thông đi trước một bước”, thành phố đã chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí. Đây cũng là một trong những lý do thành phố thành lập Trung tâm Báo chí. Tại buổi lễ, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố kiêm giữ chức Giám đốc Trung tâm Báo chí thành phố. Ngoài ra, Sở cũng đã ra mắt trang thông tin điện tử Trung tâm Báo chí thành phố và ký kết phối hợp công tác với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Thái Nguyên: Mở rộng vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP
Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống chè; tiến hành đầu tư xây dựng vùng sản xuất chè tập trung, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.
Cụ thể, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ tất cả chi phí lần đầu cấp giấy chứng nhận VietGAP (sáu triệu đồng/ha) và hỗ trợ phần chênh lệch giá trị phân bón do chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ là 217 nghìn đồng/sào, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học 500 nghìn đồng/sào. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương vùng chè đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chè, hình thành vùng sản xuất chè tập trung, quy mô lớn. Hiện, Thái Nguyên đã có 137 mô hình sản xuất chè VietGAP được chứng nhận với diện tích khoảng 1.600ha; toàn tỉnh có hơn 22 nghìn ha chè, trong đó, diện tích chè kinh doanh là 19.600ha, năng suất đạt gần 118 tạ/ha. Năm 2019, Thái Nguyên phấn đấu trồng mới, trồng lại 875ha chè, đưa diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao chiếm hơn 74%./.
PV