Thanh Hóa: Tăng cường hoạt động đối thoại với nhân dân

07:05, 14/05/2019

Để thực hiện hiệu quả công tác dân vận chính quyền, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tại tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường hoạt động đối thoại với nhân dân, trên tinh thần "trọng dân, gần dân và vì dân"; trong đó chú trọng đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân.

Khác với tiếp xúc cử tri, hội nghị đối thoại là dân hỏi, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trả lời. Những vấn đề thuộc thẩm quyền được giải đáp ngay tại hội nghị; vấn đề không thuộc thẩm quyền hoặc cần kiểm tra, làm rõ, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã cũng có những thông tin phù hợp tới người dân. Tại các địa phương trong tỉnh, việc trao đổi thông tin hai chiều giúp mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo sự đồng thuận trong giải quyết những vấn đề phát sinh tại địa phương. Đồng thời góp phần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, lãnh đạo các vấn đề ở cơ sở; chống tình trạng quan liêu, xa dân.

Thực tiễn ở tỉnh Thanh Hóa cho thấy, khi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt quy chế đối thoại với nhân dân đã giúp hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo từ cơ sở. Qua đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc ở cơ sở được thúc đẩy giải quyết nhanh, tạo sự tin cậy, ủng hộ của nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gần dân, do dân, vì dân.

Hải Dương: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai có hiệu quả một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và phát triển 18ha nhà màng, nhà lưới; ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến trên diện tích 170ha rau màu. Tỉnh đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ nuôi cấy mô invitro để sản xuất một số loại cây ăn quả, khoai tây giống và cây dược liệu, góp phần tạo nguồn giống sạch bệnh, phục vụ nhu cầu sản xuất của tỉnh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thành công tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi thủy sản.

Thời gian tới, Hải Dương tiếp tục đề ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tập trung quy hoạch phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên cơ sở có sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Tăng cường đầu tư nguồn nhân lực khoa học - công nghệ và chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ tiếp thu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho người dân... Tỉnh chỉ đạo các địa phương trong vùng tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư cho khoa học - công nghệ; lập đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Tập trung thúc đẩy xây dựng và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế...

Trà Vinh: Trái cây đặc sản được mùa, được giá

Từ đầu tháng 5 đến nay, các nhà vườn ở huyện Cầu Kè - vùng trồng cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Trà Vinh rất phấn khởi vì được mùa, được giá các loại trái cây đặc sản của địa phương như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm Thái, nhãn da bò…

So với vụ trái cây năm 2018, giá bán các loại trái cây này đều tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg, riêng chanh tăng từ 10-15 nghìn đồng/kg. Cụ thể, giá sầu riêng Moong Thon được bán tại vườn từ 80-85 nghìn đồng/kg, măng cụt từ 40-45 nghìn đồng/kg, nhãn da bò 17 nghìn đồng/kg, chôm chôm Thái 18 nghìn đồng/kg, chanh không hạt từ 30-32 nghìn đồng/kg…

Hiện Trà Vinh có hơn 6.800ha cây ăn trái, gồm: xoài với trên 1.150ha, cam sành (1.830ha), bưởi (880ha), nhãn (gần 1.650ha) và chuối trên 1.630ha…; trong đó, diện tích vườn cây ăn trái huyện Cầu Kè chiếm gần 5.000ha. Giá trị sản lượng cây ăn trái của tỉnh trong 5 năm qua đạt bình quân từ 100 đến 120 triệu đồng/ha/năm.

Trong chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản tại các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, với mục tiêu phấn đấu đạt diện tích 20 nghìn ha vào năm 2020./.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com