Huyện Sông Mã (Sơn La) vừa xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Toàn bộ số xoài này do Công ty Cổ phần Rau quả sạch Việt Nam thu mua xuất khẩu. Số lượng xoài xuất khẩu lần này được chăm sóc đảm bảo theo đúng quy trình, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; trọng lượng trung bình từ 0,7-1,2 kg/quả. Sản phẩm xoài được thu hái, đóng gói theo quy định, đảm bảo về quy cách, chất lượng theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu.
Năm 2019, huyện Sông Mã phấn đấu xuất khẩu khoảng 270 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc và Australia. |
Huyện Sông Mã hiện có 467ha diện tích xoài; trong đó, gần 250ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 1.500 tấn. Vụ xoài năm nay, huyện Sông Mã phấn đấu xuất khẩu khoảng 270 tấn xoài sang Trung Quốc và Australia, trong đó 70 tấn xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Các Hợp tác xã Bảo Minh, Hoàng Tuấn, Tiên Cang, Toàn Thắng, Hưng Thịnh, Hương Xoài, Quyết Tâm là những đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất, cung cấp sản phẩm xoài phục vụ cho xuất khẩu. Như vậy, sau nhãn thì xoài là loại quả thứ 2 trong số các loại cây trồng chủ lực của huyện Sông Mã được xuất khẩu ra nước ngoài.
Kiên Giang: Giảm họp để tập trung phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh trên địa bàn, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh yêu cầu các địa phương, ban, ngành cắt, giảm các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chống dịch, không để dịch bùng phát trên diện rộng; đồng thời cho biết sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các xã, thị trấn, phòng, ban chủ quan lơ là, đùn đẩy trách nhiệm trong phòng, chống dịch.
Để kiểm soát dịch bệnh, đến nay toàn tỉnh đã bố trí 13 chốt, tổ kiểm dịch ở các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và một số chốt lưu động để kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ. Tuy nhiên, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết qua kiểm tra, khảo sát thực tế cho thấy công tác phòng, chống dịch vẫn còn rất lúng túng, thiếu kiểm tra đôn đốc nên công tác chuẩn bị, rà soát tổng đàn, sẵn sàng ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ ở cơ sở còn hạn chế.
Tính đến thời điểm hiện tại, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có trên 330 nghìn con. Trong đó, 31 trại chăn nuôi theo quy mô lớn khoảng 36 nghìn con, còn lại chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo đánh giá của Chi cục Thú y, nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới diễn biến rất phức tạp, có khả năng lây lan trên diện rộng. Do hiện nay vẫn chưa kiểm soát được vận chuyển lợn trên các tuyến đường thủy, nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ không đúng quy định. Tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, Cục Thú y nắm bắt tình hình, liên kết tổ chức chống dịch mang tính liên tỉnh, hướng dẫn vận chuyển, tiêu thụ lợn trong, ngoài vùng dịch, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng kinh tế đối với các hộ chăn nuôi./.
PV