Theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP, chậm nhất đến ngày 1-11-2020, toàn bộ các tổ chức, cá nhân phải hoàn thành việc chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Hà Nội là thành phố có số lượng doanh nghiệp lớn thứ hai cả nước. Kế hoạch dự kiến triển khai với rất nhiều hoạt động như: Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử, hướng dẫn chính sách về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, đồng thời tuyên truyền về các hoạt động mà Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ triển khai nhằm đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn; tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử từ khâu đăng ký đến các khâu sử dụng và báo cáo về hóa đơn thông qua các lớp tập huấn, thông qua điện thoại, email tư vấn phối hợp với hình thức hỗ trợ trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế các cấp. Danh sách các nhà cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử uy tín, đủ năng lực kết nối với cơ quan thuế sẽ được Cục Thuế Thành phố Hà Nội công khai trên website của Cục Thuế Thành phố Hà Nội để các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn an tâm liên hệ, sử dụng dịch vụ.
Bình Định: Nhà máy điện mặt trời đầu tiên hòa lưới điện quốc gia
Ngày 20-5, Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp đã được đóng điện vận hành để chạy nghiệm thu và đấu nối vào lưới điện quốc gia. Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Bình Định được hòa lưới điện quốc gia.
Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp có công suất 49,5MWp cùng hệ thống pin mặt trời được lắp đặt trên diện tích 60,1ha tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát (Bình Định). Dự án có tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng do cổ đông chính là Công ty Quadran Internatural (Pháp) và cổ đông khác là Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đầu tư. Từ Nhà máy Cát Hiệp, dự án đã đưa hệ thống đường dây 5,5km với 26 cột 2 mạch hòa vào lưới điện quốc gia tại Trạm 110kV Phù Cát. Dự kiến, đến ngày 6-6, Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp sẽ vận hành thương mại, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia từ 78-80 nghìn MWh điện.
Kiên Giang: Tiếp tục thu hút khách du lịch
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, từ đầu năm 2019 đến nay, tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 3,79 triệu lượt, doanh thu đạt 3,88 nghìn tỷ đồng (tăng 54,7% so với cùng kỳ).
Riêng Phú Quốc, khách đến tham quan du lịch đạt 2,04 triệu lượt (tăng 53,9% so với cùng kỳ), khách quốc tế 340 nghìn lượt, doanh thu đạt 3,68 nghìn tỷ đồng. Tổng số cơ sở lưu trú có đăng ký hiện nay của toàn tỉnh là 726 cơ sở với 22.654 phòng. Thời gian tới, Sở Du lịch Kiên Giang phối hợp với ngành có liên quan tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra công nhận đủ điều kiện tối thiểu cho 20 cơ sở lưu trú tại Thành phố Hà Tiên, 35 cơ sở lưu trú tại huyện đảo Phú Quốc; đồng thời kết hợp nhắc nhở việc chấp hành quy định về treo gắn biển quảng cáo, tháo gỡ biển hạng sao đối với các cơ sở lưu trú hết thời hạn công nhận sao. Bên cạnh đó, Sở sẽ tiến hành khảo sát hoạt động kinh doanh mô hình homestay tại Phú Quốc; vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường Trung Quốc; xúc tiến khảo sát tuyến du lịch bằng đường biển qua cảng biển Phú Quốc (Kiên Giang - Việt Nam) và Kampốt (Campuchia). Cùng với đó, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, cải thiện vệ sinh môi trường các khu du lịch./.
PV