Sáng 9-5, Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo.
Đây là sự kiện được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm xây dựng cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Mục tiêu của diễn đàn là muốn biến các doanh nghiệp công nghệ trong nước trở thành một động lực để đột phá nền kinh tế, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành một nước phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan Triển lãm công nghệ Việt Nam. |
Các doanh nghiệp công nghệ ở đây sẽ được hiểu theo nghĩa rất rộng. Trong đó, bao gồm những công ty khởi nghiệp sáng tạo (start-up), các công ty tư vấn, chuyển giao công nghệ và nhóm các doanh nghiệp truyền thống nhưng có nhiều nguồn lực và muốn chuyển hướng phát triển sang lĩnh vực công nghệ. Tại diễn đàn, khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm chủ đề gồm:
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam: Các diễn giả sẽ chia sẻ thực trạng ứng dụng và phát triển công nghệ Việt Nam để giải quyết các bài toán của Việt Nam, các bài toán sản xuất, kinh doanh cần giải pháp công nghệ trong thời gian tới; thành công của một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, dịch vụ; trong việc thay đổi mô hình hoạt động, quản trị, đem lại hiệu quả cao.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình: Để đạt được mức thu nhập trung bình cao vào năm 2045, Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã “hóa rồng” trong vài thập kỷ. Các chuyên gia của Hàn Quốc, ADB Việt Nam và Đại học Fulbright sẽ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.
Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ trình bày, chia sẻ về thực trạng và đề xuất chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ Việt Nam; phát triển doanh nghiệp công nghệ, hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ.
Các diễn giả sẽ trao đổi, thảo luận với đại biểu tham dự Diễn đàn. Thảo luận là cơ hội để các tổ chức, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp nhất cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ: Các diễn giả và đại biểu sẽ trao đổi về các giải pháp kết nối doanh nghiệp công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như nông nghiệp, y tế, dịch vụ công,… Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp và thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển một Việt Nam hùng cường.
Mục tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông là muốn làm thế nào để đưa các công nghệ mới vào thực tế cuộc sống, vào Chính phủ, vào toàn bộ xã hội để giải quyết các bài toán đang tồn tại trong từng lĩnh vực, góp phần giúp tăng năng suất lao động của người Việt Nam. Đây là bước khởi đầu trước khi hình thành nên một chiến lược chung nhằm thúc đẩy hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Trước khi bắt đầu diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham quan khu trưng bày các sản phẩm công nghệ do chính các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Khu trưng bày mang tên bức tường công nghệ "Make in Vietnam" được thiết kế và chia theo 5 khu vực, gồm Công nghiệp 4.0; Kinh tế, tài chính, thương mại điện tử; giao thông, xây dựng và tài nguyên, môi trường; y tế, du lịch; nông nghiệp và chuyển đổi số./.
Theo chinhphu.vn