Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 22-5, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Ðánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.
Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019, phần đông các đại biểu đồng tình Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, thời gian qua, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến tích cực, như: kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách Nhà nước tăng; các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện...
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, một số yếu kém, hạn chế mà Báo cáo Chính phủ nêu đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, làm cho nhiều cử tri băn khoăn. Trong đó, công tác cải cách hành chính triển khai từ Trung ương đến các địa phương, song tính đồng bộ, kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm cho cải cách hành chính thực chất còn chậm, những vấn đề chia sẻ dịch vụ công… vẫn khó khăn. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường đang là vấn đề nóng, nhưng việc đầu tư cho lĩnh vực này chưa tương xứng; ô nhiễm môi trường ở một số nơi chưa được giải quyết rốt ráo. Ðáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật về xâm hại trẻ em và quấy rối tình dục, bạo lực tình dục đang diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc rất đau lòng; tình trạng buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi, tín dụng đen len lỏi từ thành thị đến nông thôn, ảnh hưởng an ninh, trật tự an toàn xã hội… Do vậy, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng nêu trên; khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng, cơ quan tư pháp cần vào cuộc để xử lý kịp thời.
Thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017, nhiều đại biểu đồng tình Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Một số đại biểu cho rằng, việc quản lý, thu ngân sách Nhà nước có nhiều chuyển biến so các năm trước, tuy nhiên áp lực thu ngân sách tại các địa phương rất lớn, nhất là các thành phố lớn. Nhiều địa phương bức xúc vì Trung ương giao số lượng thu quá lớn, nợ đọng thuế cao, việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa nghiêm… Hơn nữa, giải ngân đầu tư công còn chậm, do thủ tục rườm rà, một số nơi đổ lỗi cho thủ tục, quy định của pháp luật chưa phù hợp… Việc điều chỉnh giá xăng, dầu, điện theo cơ chế thị trường thời gian qua gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ðây là một dự án luật lớn gồm 16 chương, 209 điều, nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu. Trong đó, những quy định của dự thảo luật về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Ða số ý kiến tán thành việc dự thảo luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động... Ðại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, rõ trách nhiệm của người lao động, trách nhiệm của người quản lý, người sử dụng lao động để bảo đảm hiệu quả và tránh sự lạm dụng.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong thi hành án hình sự (điều 19), vừa qua có một số ý kiến đề nghị xem xét lại việc giao quá nhiều nhiệm vụ cho UBND cấp xã; có ý kiến đề nghị giao lực lượng công an cấp xã trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, với thẩm quyền quản lý Nhà nước, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa bàn thì UBND cấp xã chủ trì quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng là phù hợp. Ðể bảo đảm cho UBND cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ này, dự thảo Luật bổ sung quy định lực lượng Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện. Một số đại biểu tán thành quy định giao UBND cấp xã chủ trì, quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng, được quy định tại Ðiều 19 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần có quy định linh hoạt để vận động người có uy tín trong cộng đồng, người có kiến thức, có kinh nghiệm nghề nghiệp, có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội cùng tham gia với UBND cấp xã, nhất là đối với những nơi có truyền thống cộng đồng gắn kết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó nâng hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng. Sau thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhất là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, từ đó hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Sáng 23-5, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về dự án Luật này.
Ðây là dự án Luật thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước bởi thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng nhiều người, nguyên nhân do chủ phương tiện giao thông vi phạm quy định, có sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 7 chương, 36 điều; trong đó có một số vấn đề lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý, như: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm. Tại kỳ họp này, một số nội dung của dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận như: quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; về các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Quốc hội sẽ quyết định về việc thông qua dự án Luật này với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đọc Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước trình xin ý kiến Quốc hội gồm 3 điều, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan liên quan; các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động Kiểm toán Nhà nước, tránh chồng chéo trong quy định về thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan chức năng. Một điểm mới đáng chú ý là điểm d, khoản 2, điều 7 được sửa đổi, bổ sung theo hướng "Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại" nhằm bao quát toàn diện quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Dự thảo Luật Thư viện trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 có 7 chương, 51 điều, kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung 18 điều, quy định mới 33 điều so với Pháp lệnh. Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này gồm: một số loại hình thư viện cụ thể; các hoạt động thư viện, khoản 3 điều 17 quy định việc cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện được thu phí, lệ phí và giá theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo Luật Phí và Lệ phí, Bộ luật Dân sự và pháp luật khác có liên quan; hoạt động liên thông giữa các thư viện trong nước và quốc tế. Ðặc biệt là về xây dựng thư viện số và quy định thúc đẩy phát triển thư viện số; quyền và nghĩa vụ của thư viện tại điều 23 và 24; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện tại các điều 37, 38, 39. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số từ ngữ; quy định cụ thể như thư viện được phép lưu trữ các tài liệu vi phạm hành vi bị cấm nhằm mục đích nghiên cứu; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; bổ sung quy định về thời hạn đình chỉ hoạt động thư viện, tiêu chuẩn đối với lãnh đạo thư viện, tiêu chuẩn người làm công tác thư viện tại dự thảo Luật; tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật của dự thảo Luật./.
PV