TP Hồ Chí Minh: Xác định 15 ngành nghề, lĩnh vực cần tập trung chống thất thu thuế

07:04, 05/04/2019

Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang triển khai các giải pháp hướng đến mục tiêu chống thất thu ngân sách Nhà nước trong năm 2019 đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung tại các lĩnh vực, khu vực sản xuất, kinh doanh có rủi ro cao về thuế nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh; tăng thu cho ngân sách Nhà nước và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Trong đó, ngành thuế xác định 15 ngành nghề, lĩnh vực cần tập trung chống thất thu trong năm nay như: hoạt động giao dịch liên kết (chủ yếu là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); kinh doanh thương mại điện tử; ăn uống và dịch vụ cao cấp; các doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ; kinh doanh du lịch; doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm tươi sống; thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực bán hàng đa cấp; các doanh nghiệp có hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện phải hậu kiểm; kiểm soát ưu đãi, miễn, giảm thuế, đặc biệt tại các doanh nghiệp xã hội hóa; kinh doanh bất động sản; văn phòng công chứng; chuyển nhượng nhà đất; đôn đốc thu và chống nợ đọng…

Ngoài hoạt động chống thất thoát thuế, giảm nợ đọng, ngành Thuế thành phố còn tập trung chấn chỉnh và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của ngành; đổi mới tư duy nhận thức từ quản lý người nộp thuế sang tư duy phục vụ người nộp thuế. Sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường kiểm tra nội bộ, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung kiểm tra những đơn vị phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại; chú trọng vào những khâu dễ xảy ra lãng phí, tham nhũng nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm công chức thuế trong thực thi công vụ. 

Thanh Hóa: Nghêu chết do mật độ nuôi quá dày

Ngày 3-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan này phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra thực tế, lấy mẫu xét nghiệm và đã có kết quả sơ bộ về nguyên nhân nghêu chết hàng loạt tại huyện Hậu Lộc.

Qua kết quả phân tích và xác minh thực tế, bước đầu xác định nguyên nhân nghêu chết do nuôi với mật độ quá dày. Theo khuyến cáo, chỉ nên thả nghêu với mật độ 250-300 con/m2, nhưng thực tế kiểm tra tại vùng nuôi nghêu ở xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) cho thấy mật độ lên đến 2.500-3.000 con/m2, thậm chí có điểm lên tới 5.000 con/m2. Vì mật độ nuôi quá dày khiến sức đề kháng của nghêu giảm do phải cạnh tranh thức ăn, môi trường sống và khi gặp thời tiết bất lợi dễ bị chết. Nghêu chết còn gây ô nhiễm môi trường cục bộ và lây lan khiến nghêu khỏe mạnh cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện tại, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản tiếp tục lấy 20 mẫu nghêu chết, 9 mẫu bùn đất và 9 mẫu nước tại xã Hải Lộc để xác định nguyên nhân cụ thể dẫn đến nghêu chết hàng loạt.

Hà Nam: Phát sinh thêm 2 ổ dịch, bệnh tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Hà Nam, ngày 3-4, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã phát sinh thêm 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Châu Giang, huyện Duy Tiên và xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng.

Đồng thời, 6 hộ trong vùng dịch tại xã Bạch Thượng và Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên cũng có lợn chết nghi do mắc dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh đã tiêu hủy trong ngày 3-4 là 142 con.

Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 10 xã thuộc 4 huyện trên địa bàn tỉnh với gần 1.100 con lợn bị tiêu hủy. Các địa phương trong vùng dịch đã sử dụng hơn 2.600 lít hóa chất, 42.500kg vôi bột để khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường.

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lan rộng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đang phối hợp với các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; trong đó, tăng cường giám sát và phát hiện sớm ổ dịch, khoanh vùng dập dịch, không để lây lan ra diện rộng; tuyên truyền và khuyến cáo người dân không tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn mắc, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; khử trùng, tiêu độc môi trường xung quanh và chuồng trại chăn nuôi, ngăn chặn nguồn bệnh có thể xâm nhập vào chuồng trại./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com