Ngày 23-4, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ hội nhập quốc tế của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế với chủ đề: “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì sự phát triển bền vững”. Dự hội nghị có các đồng chí thành viên Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Ðảng, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; đại diện các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đại diện một số tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh; Phạm Ðình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nam Ðịnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. |
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, trong 5 năm triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Ðại hội XII của Ðảng đã đề ra, công tác hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện và đạt hiệu quả tích cực ở cả 3 nhóm lĩnh vực trụ cột gồm: chính trị, quốc phòng an ninh; kinh tế; khoa học, giáo dục, văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm với những đột phá quan trọng trong công tác đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA với châu Âu trong năm 2019; Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tiếp tục được thúc đẩy. Ngoài ra, nhiều hoạt động hội nhập quốc tế trong tổ chức, diễn đàn và khu vực thương mại tự do được triển khai tích cực, hiệu quả như xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, hợp tác đa phương của WTO, hợp tác APEC… Việt Nam đã thiết lập và nâng cấp quan hệ lên Ðối tác chiến lược và Ðối tác toàn diện với các đối tác quan trọng, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Kim ngạch xuất, nhập khẩu và đầu tư với các nước tăng trưởng tích cực; đến hết năm 2018 đạt 480 tỷ USD, thặng dư 6,8 tỷ USD, cam kết FDI đạt 35,46 tỷ USD.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan đã tham luận, kiến nghị các định hướng thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế theo hướng toàn diện, liên ngành.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ðể nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế, các địa phương, doanh nghiệp phải xác định năm 2019 là năm “nước rút” thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; đồng thời là năm Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và bước vào giai đoạn hoàn tất các cam kết trong 12 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó có CPTPP. Bên cạnh đó, môi trường quốc tế chuyển biến sâu rộng, phức tạp, đan xen giữa cơ hội và thách thức, vì vậy cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII. Chú trọng hội nhập trên cả 3 nhóm lĩnh vực: chính trị, quốc phòng an ninh; kinh tế; khoa học, giáo dục, văn hóa - xã hội. Về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, Ban Chỉ đạo cần tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các FTA mới có hiệu lực, thúc đẩy phê chuẩn và thực thi các FTA đã hoàn tất, tiếp tục coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập, thúc đẩy hợp tác, kết nối, tăng cường vị thế của Việt Nam tại các cơ chế khu vực, toàn cầu quan trọng./.
Thanh Thúy