Tỉnh Quảng Ngãi đang khuyến khích các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng công nghệ năng lượng điện mặt trời áp mái.
Đây được xem là giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, tiết kiệm chi phí tiền điện và hợp với xu thế phát triển của thế giới. Với công suất thiết kế bình quân 3kWp/hộ gia đình và 8-10 kWp/trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, trường học, lượng điện thu được đủ sử dụng để thắp sáng, nấu ăn và các đồ dùng như tủ lạnh, máy giặt...
Theo tính toán của Công ty Điện lực Quảng Ngãi, chi phí lắp đặt điện năng lượng áp mái khoảng 26 triệu đồng/kWp, mỗi hộ gia đình chỉ cần lắp đặt bình quân khoảng 3-4kWp, tương đương 80-100 triệu đồng. Sản lượng điện tạo ra gần 7.000kWh/năm, tiền điện tiết giảm được khoảng 21 triệu đồng/năm. Do đó, hộ gia đình lắp đặt điện năng lượng áp mái thì trong vòng 6 năm sẽ hoàn vốn. Tính đến tháng 3-2019, Quảng Ngãi có 21 đơn vị, cá nhân sử dụng điện năng lượng áp mái, gồm 5 cơ quan, doanh nghiệp, trường học và 16 hộ gia đình. Tổng công suất gần 100kWp. Sản lượng điện sử dụng thừa, bán cho ngành điện khoảng 12.500kW, với giá bán 2.086 đồng/kW.
Hà Nội: Thực hiện cải cách tiền lương
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tập trung thực hiện 9 hoạt động trọng tâm về cải cách tiền lương.
Phấn đấu đến năm 2021 áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn bộ các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp của thành phố và từng bước có sự gia tăng phù hợp với nguồn lực tài chính của thành phố gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Từ năm 2021, các doanh nghiệp thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động đảm bảo áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội thực hiện được chính sách nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách thành phố; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp./.
Theo baotintuc.vn