Năm 2019, ngành dệt may tỉnh Hưng Yên phấn đấu đạt sản lượng 250 triệu sản phẩm may mặc các loại. Để đạt mục tiêu, các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh có nhiều giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Sản xuất áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tiên Hưng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). |
Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ phát triển ngành dệt may, có chính sách thu hút các nhà đầu tư tham gia vào những công đoạn dệt, nhuộm, hoàn tất sản phẩm, sản xuất phụ liệu dệt may... Tỉnh chỉ đạo thành lập và đưa Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối đi vào hoạt động. Đến nay, khu công nghiệp đã thu hút 56 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dệt, nhuộm, may mặc. Các doanh nghiệp giảm may gia công, chuyển mạnh sang phương thức sản xuất mua nguyên liệu, bán sản phẩm; chú trọng phát triển theo chiều sâu (mẫu mã, kiểu dáng và chất lượng). Để nắm bắt được các cơ hội kinh doanh, Sở Công thương tỉnh Hưng Yên định hướng các doanh nghiệp dệt may cần củng cố nguồn lực chất lượng cao, đầu tư phát triển về công nghệ, kỹ năng quản lý, để có đủ sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược cụ thể, huy động nguồn lực để tập trung đầu tư chuyển đổi phương pháp gia công truyền thống cắt - ráp - hoàn thiện sang phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất.
Trà Vinh: Tăng cường các hoạt động khuyến công
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Trà Vinh) năm 2019, tỉnh Trà Vinh dành gần 2,3 tỷ đồng thực hiện các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, góp phần tăng tính cạnh tranh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh chú trọng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn; hỗ trợ các đơn vị học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ kinh doanh cũng sẽ được hỗ trợ mua máy móc thiết bị tiên tiến giúp tăng hiệu quả sản xuất… Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã giải ngân tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong đó, hơn 1,1 tỷ đồng được dành để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, học tập kinh nghiệm, kết nối thị trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn…; số còn lại chi cho các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia các hội chợ, đưa hàng Việt Nam về nông thôn. Trung tâm đã tổ chức 6 phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn; thu hút 72 nghìn lượt khách đến tham quan và mua sắm với tổng doanh thu đạt hơn 2,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức 6 lớp dạy nghề cho 170 lao động nông thôn. Các lao động sau đào tạo đã có việc làm ổn định với thu nhập bình quân 1,5 đến 1,8 triệu đồng/người/tháng./.
Theo nhandan.com.vn