Ông Bùi Văn Son, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương từ nay đến cuối tháng 3-2019, nhiệt độ tại tỉnh Đồng Tháp tăng cao, nắng nóng kéo dài.
Thông tin cảnh báo cháy của Cục Kiểm lâm các tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ đang ở cấp IV và qua khảo sát thực tế thì nguy cơ cháy rừng đang ở mức nguy hiểm. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu các chủ rừng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, chống người xâm nhập trái phép và phân công trực 24/24 giờ tại Ban chỉ huy để đề phòng cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị hữu quan tuần tra kiểm soát ở các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp). |
Tỉnh Đồng Tháp có 9 đơn vị chủ rừng, diện tích đất có rừng hiện có là 6.086ha; trong đó, rừng đặc dụng 2.692,08ha, rừng phòng hộ 1.051,08ha, rừng sản xuất 2.329,46ha, rừng ngoài đất quy hoạch phát triển rừng 13,38ha; độ che phủ rừng là 1,52%. Các chủ rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm nhập rừng khai thác trái phép tài nguyên rừng. Việc phòng cháy, chữa cháy rừng được các chủ rừng thực hiện theo kế hoạch; chủ động trang bị phương tiện, thiết bị… phục vụ chữa cháy rừng, đảm bảo được triển khai kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy rừng.
Khánh Hòa: Tăng cường các giải pháp giảm nghèo
Để công tác giảm nghèo thật sự bền vững, năm 2019, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ giảm nghèo; trong đó tăng cường chủ động nguồn lực tại chỗ.
Tỉnh đã lập đề án "Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh" trình cấp có thẩm quyền phê duyệt với nguồn kinh phí dự kiến là 194 tỷ đồng, đề án nhằm giúp hai huyện cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết số 06 với hai chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn tỉnh: hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và khuyến khích thoát nghèo bền vững. Theo Nghị quyết số 06 nêu trên, để khuyến khích thoát nghèo bền vững, các hộ mới thoát nghèo sẽ được vay khoảng 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh và được hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay (theo lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội) trong vòng ba năm kể từ khi hộ đó vay vốn. Dự kiến, giai đoạn 2018-2020, có 2.200 hộ nghèo được hưởng lợi từ chính sách này. Được biết, năm 2018, tỉnh Khánh Hòa đã giảm được 4.107 hộ nghèo (vượt kế hoạch đề ra là giảm 1,2% hộ nghèo/năm). Qua kết quả rà soát vào cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh còn hơn 15 nghìn hộ nghèo, trong đó có 23 hộ tái nghèo, chủ yếu là các hộ có thành viên bị tai nạn, rủi ro, bệnh tật hiểm nghèo, làm ăn thua lỗ./.
Theo baotintuc.vn