Những ngày qua, tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có nền nhiệt cao trên 35-36 độ C. Do đó, tia cực tím có mức bức xạ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Hôm nay nắng nóng thu hẹp phạm vi ảnh hưởng nhưng nhiều nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì nền nhiệt 34-35 độ. Tia UV (tia cực tím) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người đi đường khi độ bức xạ được dự báo duy trì ở mức 9-10 (cao nhất là 12). Đến ngày 21-2 sẽ tiếp tục nắng nóng và tăng dần cường độ.
Các chuyên gia nhận định, tia cực tím có thể gây phỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 25 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể. Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cũng khuyến cáo người dân nếu ra đường thời điểm từ 11-15 giờ nên che chắn để hạn chế tia bức xạ tím. Do nhiệt độ cao, độ ẩm xuống thấp dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần cẩn trọng.
Người dân cũng cần tìm nhiều giải pháp để che nắng khi ra ngoài. Chú ý bảo vệ đặc biệt cho trẻ em, do da của trẻ nhạy cảm hơn. Tuy nhiên không nên quá sợ tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.
Cần Thơ: Phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thành phố Cần Thơ đề ra mục tiêu trong năm 2019 sẽ công nhận thêm ba xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 36 xã, đạt 100% kế hoạch, trước một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra; phấn đấu công nhận thêm hai huyện là Vĩnh Thạnh và Thới Lai đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Cần Thơ tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu, dự án phát triển kinh tế - xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Thành phố Cần Thơ, ngoài nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, các doanh nghiệp thì chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương; thành lập các hợp tác xã bao tiêu sản phẩm và tạo đầu ra cho nông sản; đồng thời liên hệ các đơn vị liên quan chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, nâng cao lợi nhuận... Năm 2018, thành phố đã đầu tư ngân sách 1.462 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các địa phương; người dân cũng đóng góp 26,8 tỷ đồng cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới./.
PV