Thanh Hóa: Tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo khu vực miền núi

08:01, 14/01/2019

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 giảm 1,04%/năm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi và 4,12%/năm ở các huyện nghèo; có hai trong tổng số sáu huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 đến 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng khó khăn...

Người dân xã Tam Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) tận dụng cây vầu ở địa phương để sản xuất tăm hương và các sản phẩm mây tre đan, mang lại thu nhập ổn định.
Người dân xã Tam Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) tận dụng cây vầu ở địa phương để sản xuất tăm hương và các sản phẩm mây tre đan, mang lại thu nhập ổn định.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đề nghị các huyện miền núi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên; đề cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, xóa nghèo của người dân... Lãnh đạo các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, điều tra xác định rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp phù hợp; phát huy vai trò của lực lượng tại cơ sở, nhất là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động tích cực vươn lên thoát nghèo. Các địa phương cần tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai; triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp và cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất trên địa bàn...

Các huyện miền núi phát huy lợi thế thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch như tinh bột sắn, tinh dầu quế, ván dăm..; thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào dân tộc như dệt lụa, dệt thổ cẩm, đan lát, chế biến nông lâm sản. Khuyến khích thu hút các nhà máy may mặc, giày da vào địa bàn để tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...

TP Hồ Chí Minh: Cần hàng chục nghìn lao động thời vụ tháng giáp Tết

Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cần khoảng 25 nghìn chỗ làm việc ổn định và 30 nghìn lao động thời vụ.

Theo đó, lao động sẽ tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Tiếp thị bán hàng, chăm sóc khách hàng, thương mại điện tử, thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện, mỹ thuật ứng dụng, xây dựng sửa chữa nhà, dịch vụ phục vụ ăn uống, tiếp thị - trưng bày sản phẩm, đóng gói hàng hóa, thực phẩm, gói quà Tết, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên giao nhận - vận chuyển hàng hóa, giúp việc nhà...

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng lao động không yêu cầu kinh nghiệm làm việc trong tháng 1-2019 chiếm 62,37% (tăng 22,82% so với tháng trước). Số lao động này chủ yếu ở các ngành nghề như: Dịch vụ, phục vụ, kinh doanh, bán hàng, vận tải…

Đây cũng là quy luật chung của tháng giáp Tết Nguyên đán, khi mà các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, vệ sinh nhà cửa, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Tiền Giang: Phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương

Bằng nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương, năm 2018, tỉnh Tiền Giang đón hơn hai triệu lượt khách du lịch, vượt kế hoạch năm và tăng 8,98% so với năm 2017; trong đó có hơn 811 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 10,42% so với năm trước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 992 tỷ đồng, bằng 109,66% kế hoạch năm, tăng 26,19% so với năm trước. Tỉnh hiện có 334 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch với hơn 5.800 phòng. Du lịch phát triển đã giải quyết việc làm cho 5.680 lao động địa phương.

Trong chủ trương đầu tư, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... được xem là đặc sản của du lịch Tiền Giang. Ngoài ra, các hoạt động miệt vườn sông nước như: Đờn ca tài tử, lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội làng cổ... cũng tạo nét riêng cho du lịch của tỉnh. Tỉnh còn kết nối điểm du lịch trong tỉnh với các tua, tuyến du lịch ngoài tỉnh khá hiệu quả, như: Khu Du lịch Cái Bè (huyện Cái Bè) thực hiện liên kết phát triển du lịch với doanh nghiệp khai thác tuyến du lịch Cái Bè - cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) - cù lao Bình Hòa Phước (tỉnh Vĩnh Long); kết nối tuyến du lịch đường sông Mê Công đến với các tỉnh An Giang, Cần Thơ, qua Campuchia và ngược lại.

Năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 2,1 triệu lượt khách du lịch, tăng 4,15% so năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đạt 850 nghìn lượt khách, tăng 4,77% so năm trước, còn lại là khách nội địa. Doanh thu từ du lịch đạt 1.141 tỷ đồng, tăng 15,02% so năm trước./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com