Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng thực hiện việc lập, thẩm định nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.
UBND tỉnh Hà Nam thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng trong phạm vi Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Các hạng mục chính trong quần thể Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao đang được khẩn trương xây dựng. |
Khu du lịch quốc gia Tam Chúc thuộc địa phận Thị trấn Ba Sao và 3 thôn: Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc là 4.000ha.
Mục tiêu chung đến năm 2025, Khu du lịch Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Tam Chúc trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu khu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc và cả nước.
Quảng Ninh: Xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển, đảo xanh, hiện đại
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển, đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu. Đến năm 2050, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; phấn đấu là thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên.
Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, đối với du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng về di sản thiên nhiên thế giới trong khu vực, di sản văn hoá truyền thống. Đồng thời, tạo lập môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn kết hợp với xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ để phát triển ngành du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 170 nghìn người nước ngoài đến Vân Đồn…
Thừa Thiên - Huế: Lần đầu công bố năng lực cạnh tranh cấp sở, huyện
Ngày 5-1, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức công bố kết quả khảo sát chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) năm 2018.
Đây là năm đầu tiên tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai đánh giá DDCI trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, Thừa Thiên - Huế đã rất quyết liệt khi đưa vào thực hiện đánh giá đến 22 sở, ban, ngành và 9 địa phương cấp huyện với số lượng phiếu phát ra rất lớn thông qua rất nhiều hình thức như, khảo sát trực tiếp tại doanh nghiệp, qua mạng internet hay phỏng vấn qua điện thoại. Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương DDCI Thừa Thiên - Huế gồm 8 chỉ số thành phần: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của sở, ban, ngành và địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và vai trò người đứng đầu. Đối tượng đánh giá DDCI Thừa Thiên - Huế là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang nghiên cứu, đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh (gọi chung là doanh nghiệp); đối tượng được đánh giá DDCI là các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, Thành phố Huế. Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương - DDCI Thừa Thiên - Huế là một trong những bước đột phá trong việc quyết tâm đổi mới, tạo ra những thay đổi trong tư duy quản lý và phát triển, tạo điều kiện thông thoáng, minh bạch, hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính để nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vào mục đích tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển./.
Theo nhandan.com.vn