Theo Sở Công thương tỉnh Long An, từ đầu năm đến nay, khối lượng xuất khẩu gạo của tỉnh đạt trên 462.800 tấn và đạt kim ngạch 232,2 triệu USD.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 19 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo trực tiếp. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc. Ngoài ra, Long An còn có 4 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh được xuất khẩu gạo có kho, cơ sở xay xát trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao chất lượng lúa gạo, phục vụ chế biến xuất khẩu, những năm qua, tỉnh Long An đã tập trung vào phát triển vùng lúa chất lượng cao với diện tích canh tác hơn 48 nghìn ha ở 25 xã thuộc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới ở Long An (Nguồn: Báo Long An) |
Hiện nay, tỉnh Long An cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất lúa để có cơ sở triển khai nhân rộng. Trong đó, hỗ trợ nông dân san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất; thực hiện gieo sạ bằng giống xác nhận, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ thay cho các loại phân bón vô cơ. Long An đặt ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích lúa trong vùng quy hoạch sẽ được sản xuất theo hướng VietGAP.
Kiên Giang: Đón trên 7,2 triệu lượt khách du lịch
Theo Sở VH, TT và DL tỉnh Kiên Giang, tổng lượt khách đến Kiên Giang trong 11 tháng của năm 2018 đạt trên 7,2 triệu lượt, doanh thu là 5.658 tỷ đồng.
Trong đó, riêng tháng 11 năm 2018, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại Kiên Giang là trên 568 nghìn lượt, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách quốc tế là 36.197 lượt, tăng 5,7% so với cùng kỳ; khách tham quan khu, điểm du lịch 233.739 lượt, tăng 129,2% so với cùng kỳ. Khách lưu trú đạt 315.798 lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ. Doanh thu trên 508 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ của năm 2017. Riêng huyện đảo Phú Quốc có 360.362 lượt khách tham quan du lịch, trong đó, khách quốc tế 32.399 lượt và doanh thu đạt trên 472 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Chấm dứt hoạt động 27 dự án đầu tư
Theo Sở KH và ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2018, tỉnh đã chấm dứt hoạt động 27 dự án đầu tư, trong số này có 5 dự án đầu tư nước ngoài và 22 dự án đầu tư trong nước.
Năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản chấm dứt hiệu lực pháp lý 11 văn bản chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập Ban điều hành thực hiện phương án xử lý các dự án chậm triển khai, để sắp xếp các dự án phải thu hồi và dự án được giãn tiến độ thực hiện.
Qua kiểm tra, rà soát, đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 78 dự án chậm triển khai. Trong đó có nhiều dự án kéo dài hàng chục năm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân cũng như sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong số dự án có vốn đầu tư lớn chậm triển khai có những dự án như: Cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân (TX Phú Mỹ) với diện tích đất gần 167ha, có vốn đăng ký 477 triệu USD; Dự án Khu phức hợp công viên quảng trường biển, khách sạn 5 sao, khu thương mại và chung cư cao tầng (TT Long Điền, huyện Long Điền); Dự án Khu dân cư Việt Hân 3 (TT Long Hải, huyện Long Điền); Dự án Khu dân cư Việt Hân 5 (TT Long Hải, huyện Long Điền); Dự án Bảo tàng Dầu khí của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro…
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sẽ kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai, không cho phép giãn tiến độ đối với các dự án mà nhà đầu tư không chứng minh được khả năng triển khai. Với các dự án gia hạn, nhà đầu tư buộc phải ký quỹ đầu tư và cam kết tiến độ hoàn thành dự án. Sau thời gian gia hạn 24 tháng, nếu nhà đầu tư không triển khai thì sẽ bị thu hồi. Đối với các khu đất sau thu hồi dự án, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để điều chỉnh cho phù hợp và thông báo đến người dân trong vùng dự án biết./.
Theo dangcongsan.vn