Hà Nội: Thu hút trên 36 tỷ USD vốn FDI

05:12, 28/12/2018

Thời gian qua, Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn, là thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội cho biết, tính lũy kế đến nay, Hà Nội thu hút trên 36,55 tỷ USD vốn FDI. Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là bất động sản, chiếm 34,8%. Các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 80%, các dự án liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm 20%.

Trong 3 năm, từ 2016-2018, Hà Nội thu hút được khoảng 14 tỷ USD vốn FDI, bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2018, thu hút được khoảng 7,5 tỷ USD, tăng gần 2,2 lần so với năm 2017, dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng trong năm 2018, thành phố đã cấp mới cho 616 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký mới hơn 5 tỷ USD; tăng vốn 157 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng gần 828 triệu USD… Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư tại Hà Nội với khoảng 10,6 tỷ USD, tiếp đến là Singapore với khoảng 6,9 tỷ USD, thứ 3 là Hàn Quốc với 5,5 tỷ USD. Mục tiêu tổng quát trong năm 2019 của Hà Nội là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện mạnh mẽ về cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Cao Bằng: Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện

Ngày 26-12, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị công bố báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) năm 2018. Bộ chỉ số DDCI tỉnh Cao Bằng năm 2018 là bộ chỉ số tập trung thu thập ý kiến của doanh nghiệp đối với các sở, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Việc đánh giá dựa trên các nội dung của 7 tiêu chí thành phần liên quan đến môi trường kinh doanh gồm: Tính minh bạch; tính năng động; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; vai trò người đứng đầu. Ðối tượng được đánh giá chia làm 2 nhóm, tổng cộng có 26 đơn vị gồm nhóm các sở, ngành với 13 đơn vị và nhóm các địa phương. Ông Ðàm Văn Eng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng, tiếp cận bộ chỉ số DDCI cho thấy, ngoài giải pháp lâu dài theo khuôn khổ pháp lý chung của Nhà nước thì các sáng kiến ở các sở, ban, ngành, địa phương là rất quan trọng. Các sáng kiến đó phải hướng vào thay đổi văn hóa ứng xử trong tương tác, giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền và địa phương; đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, gắn với đào tạo kĩ năng mềm, nâng dần tính chuyên nghiệp… hướng tới xây dựng chính quyền phát triển và phục vụ nhân dân. Ðiểm trung bình các chỉ số thành phần ở cả 2 nhóm cho thấy chi phí thời gian đạt điểm số cao nhất (6,08 điểm); thứ hai là chỉ số vai trò người đứng đầu (5,48 điểm); những chỉ số còn lại ở mức khá thấp gồm: chi phí không chính thức (4,21 điểm), thiết chế pháp lý (3,88 điểm)… Ðiểm trung bình của chỉ số DDCI tỉnh Cao Bằng ở 2 nhóm khảo sát đều dưới mức điểm trung bình. Cụ thể, nhóm sở, ngành đạt 49,33 điểm; nhóm địa phương đạt 45,40 điểm. Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị các sở, ngành, địa phương cần sớm xây dựng các giải pháp để phát huy các chỉ số thành phần có điểm số tốt; khắc phục, cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm; tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để nhóm chuyên gia hoàn thiện bộ chỉ số DDCI./.

Theo baodautu.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com