Vinamilk phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tập huấn cho các trường học tại Thủ đô từ ngày 3 đến 12-12 nhằm cung cấp những kiến thức chuyên môn cần thiết liên quan đến việc triển khai chương trình sữa học đường vào đầu năm 2019.
Dự kiến chương trình sẽ tập huấn cho 1.847 trường học, 2.509 nhóm lớp với gần 10 nghìn đại biểu là đại diện thành viên ban giám hiệu các trường, giáo viên, cán bộ phụ trách kế toán, kho, y tế trường và đại diện cha mẹ học sinh.
Tham dự tập huấn, các đại biểu được phổ biến các kiến thức về thực trạng chiều cao của người Việt so với các nước trong khu vực, từ đó thấy được lợi ích và mục đích nhân văn lâu dài mà chương trình nhắm đến, để thấy được sự cần thiết thực hiện đề án sữa học đường tại Việt Nam và các nội dung quan trọng khác như thông tin về sản phẩm sử dụng trong chương trình, nội dung tiêu chuẩn thành phần dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, quản lý chất lượng…
Thông qua các buổi tập huấn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng các phòng giáo dục quận, huyện và Vinamilk mong muốn các thầy, cô giáo có đầy đủ thông tin hơn để giải thích ý nghĩa của chương trình sữa học đường tại Việt Nam, cũng như tại các nước trên thế giới, thông tin về chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất tuân thủ các quy định, quy chuẩn quốc gia để phụ huynh yên tâm khi lựa chọn tham gia chương trình. Mức giá sữa của Vinamilk cung cấp sẽ tiết kiệm khoảng 7,55%, tương đương với 313 tỷ đồng cho ngân sách chung của chương trình. Ngoài ra, Vinamilk còn cam kết hỗ trợ 23%, cao hơn mức mời thầu 3% (thay vì 20% theo đề án) đồng nghĩa với việc Nhà nước và phụ huynh sẽ chỉ phải đóng góp 77% đơn giá trúng thầu của 1 hộp sữa, trong đó phụ huynh sẽ chỉ phải đóng góp 47% thay vì 50% theo quy định của Đề án đã được duyệt trước đó.
Lâm Đồng: Giảm 32 đơn vị cấp tỉnh, 52 lãnh đạo cấp phòng và tương đương
Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh Lâm Đồng đã tạo sự thống nhất cao, thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung yêu cầu. Cụ thể, tỉnh đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, quy định, nghị quyết, hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18; phân cấp, phân quyền cho các địa phương, sở, ban, ngành; rà soát sắp xếp tổ chức các cơ quan, thực hiện tinh giản biên chế, giảm số lượng cấp phó.
Lâm Đồng thực hiện tổ chức lại văn phòng cấp ủy để phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở địa phương…
Tính đến ngày 15-10-2018, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, giảm cấp trưởng, cấp phó… gắn với thực hiện Đề án vị trí việc làm. Sau khi sắp xếp đã giảm được 32 đơn vị, trong đó có 12 phòng, 5 văn phòng, 6 ban và 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp tỉnh. Qua đó đã giảm số đơn vị từ 78 xuống còn 46; giảm 52 lãnh đạo cấp phòng và tương đương, trong đó có 27 trưởng phòng và 23 phó phòng… Thực hiện việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (từ ngày 30-4-2015 đến 31-10-2018), tỉnh Lâm Đồng đã giảm 108/1.382 cán bộ công chức, viên chức thuộc khối Đảng - Đoàn thể, đạt tỷ lệ 7,81%; tinh giản 270 người, trong đó cấp tỉnh 85 người, cấp huyện 140 người, cấp xã 45 người là cán bộ công chức, viên chức thuộc khối Nhà nước./.
Theo vov.vn