Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có 1.160 phương tiện khai thác thủy sản có đăng ký, đăng kiểm, với tổng công suất 214.168CV (mã lực). Trong đó có khoảng 750 phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với mô hình tổ, đội khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá. Các phương tiện này đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho gần 7.000 lao động trên biển.
Bạc Liêu tập trung huy động mọi nguồn lực để thành lập đội tàu đánh bắt ở các vùng biển xa bờ. |
Từ đầu năm đến nay, ngư dân trong tỉnh Bạc Liêu đã khai thác, đánh bắt 108.778 tấn thủy sản, ước tính đến cuối năm 2018 đạt trên 115 nghìn tấn. Nhiều nghề khai thác ổn định và cho lợi nhuận khá cao, từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi chuyến đi biển.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng khai thác thủy, hải sản, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã xây dựng Nghị quyết số 03/NQ-TU về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả giai đoạn 2016-2020. Một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết là phát triển nghề khai thác đánh bắt thủy, hải sản.
Cùng với phát triển đội tàu là tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể, đó là tổ, đội khai thác hải sản đối với khai thác vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ. Qua đó, góp phần làm tăng sản lượng khai thác xa bờ khoảng 96 nghìn tấn vào năm 2020 và đạt khoảng 117 nghìn tấn vào năm 2030. Giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ xuống còn khoảng 24 nghìn tấn vào năm 2020 và 13 nghìn tấn vào năm 2030. Đồng thời, xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án như: Khu neo đậu tránh trú bão và Cảng cá Cái Cùng; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp với Cảng cá Nhà Mát; khu neo đậu tránh trú bão Gành Hào; dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào... nhằm góp phần đưa hoạt động khai thác thủy sản phát triển nhanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Quảng Bình: Điểm du lịch hấp dẫn nhất dải đất miền Trung
Động Thiên Đường, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi biển Nhật Lệ... đủ để Quảng Bình trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất dải đất miền Trung.
Năm 2014, tạp chí The New York Times của Mỹ bình chọn Quảng Bình đứng thứ 8 trong top 52 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất hành tinh và là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2017, Quảng Bình lọt top 4 điểm đến ở Việt Nam do Tripadvisor bình chọn.
Hiện nay, ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào những công trình hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình còn chuyển hướng sang thu hút đầu tư vào du lịch biển, một trong những lĩnh vực tiềm năng được các nhà đầu tư đánh giá không hề thua kém bất cứ địa phương ven biển nào. Để thực hiện được điều này, tỉnh đã tiến hành xây dựng cầu Nhật Lệ 2 nối trung tâm Đồng Hới với xã biển Bảo Ninh, xây dựng Trục đường chính Bắc - Nam rộng 60m tại xã Bảo Ninh (Đồng Hới).
Những công trình này không chỉ nhằm mở rộng phát triển đô thị Đồng Hới về phía Đông, mà đây chính là tiền đề thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển. Với cách làm đó, trung bình hằng năm, Quảng Bình đón hơn 3 triệu lượt khách.
Yên Bái: Chủ động phòng chống rét cho gia súc
Trong đợt rét đậm đầu tiên của đầu mùa đông này, hiện nhiệt độ tại các địa phương trong tỉnh Yên Bái chỉ khoảng 13 đến 16 độ C kèm mưa nhỏ, khu vực vùng cao có nhiều nơi dưới 10 độ C.
Để chống rét cho đàn gia súc, hầu hết người chăn nuôi vùng cao đã chủ động đưa trâu, bò về chuồng, cho ăn thêm thức ăn tinh bột. Chính quyền các xã cũng cử lực lượng xuống các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động phòng chống rét cho vật nuôi.
Tỉnh Yên Bái hiện có gần 589 nghìn con gia súc, trong đó có hơn 100 nghìn con trâu và 29 nghìn con bò... Để duy trì và phát triển đàn gia súc, ngoài việc tổ chức tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh còn vận động người chăn nuôi xây dựng chuồng trại kiên cố, kín gió, đủ ấm cho đàn gia súc trong mùa rét, tích cực trồng cỏ và dự trữ rơm rạ, thức ăn tinh cho vật nuôi./.
Theo dangcongsan.vn