Bắc Giang đã triển khai ba nhiệm vụ đột phá về chiến lược phát triển công nghệ thông tin trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính chuyển phát bảo đảm chất lượng tốt phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Giang hướng dẫn người dân sử dụng bảng điện tử để lấy số thứ tự, giải quyết thủ tục hành chính. |
Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng công nghệ thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp; triển khai hệ thống thông tin quản lý toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông tích hợp, chia sẻ thông tin đối với các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương; triển khai kết nối, liên thông các phần mềm quản lý bệnh viện với phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe tại các cơ sở y tế, tiến tới xây dựng bệnh viện điện tử; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị và hệ thống dữ liệu không gian đô thị, từng bước hoàn thiện theo cấp độ đô thị; xây dựng hệ thống giao thông thông minh, bao gồm tập hợp các ứng dụng điện tử, công nghệ thông tin tiên tiến, nhằm kiểm soát tốt các phương tiện công cộng, các bãi đỗ xe, sử dụng các ứng dụng theo dõi, giám sát tốc độ, lưu lượng phương tiện...
Hiện, tỉnh Bắc Giang rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy trình, quy định sử dụng vận hành và khai thác hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt công tác cải cách hành chính, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng phát triển công nghệ thông tin, ưu tiên bố trí đủ vốn để đầu tư và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin.
Thừa Thiên - Huế: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn
Thời gian qua công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới cơ sở dạy nghề và các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động của tỉnh có sự phát triển đa dạng và phong phú. Năm 2018, tỉnh tập trung triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm và xuất khẩu lao động đối với người thuộc hộ bị thiệt hại do sự cố môi trường biển; công tác đào tạo nghề ước tuyển sinh được 19 nghìn lao động, đạt 100% kế hoạch, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm 2018 đạt 62%; giải quyết việc làm mới cho hơn 16.500 lao động (vượt 500 lao động so với kế hoạch).
Trong các năm 2017, 2018, bình quân mỗi năm tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho hơn 30 nghìn người. Cơ cấu lao động của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 28,7% năm 2016 xuống còn 27,9% năm 2018, tỷ trọng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng lên từ 71,3% năm 2016 lên 72,1% năm 2018.
Hiện nay, tỉnh đã đưa ra các giải pháp tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Trong đó, tỉnh xác định các nhóm vấn đề cần tháo gỡ như, người lao động phải định hướng và xác định rõ nghề nghiệp; nhu cầu học nghề. Tỉnh chỉ đạo hệ thống đào tạo tăng cường đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu tập trung dạy thực hành tại nơi sản xuất; Tỉnh ưu tiên đào tạo những ngành nghề làm ra được sản phẩm ngay hoặc lợi thế trong phát triển sản phẩm đó tại địa phương có thị trường tiêu thụ và các nghề kỹ thuật công nghệ mới ở khu vực nông thôn; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối thông tin cung - cầu lao động trên Cổng thông tin việc làm của tỉnh, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận, lựa chọn công việc phù hợp để dự tuyển.
Theo nhandan.com.vn