Thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị…, ngành GD và ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực sắp xếp lại các trường học theo hướng tinh gọn, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến tháng 10-2018, ngành GD và ĐT Vĩnh Phúc đã giảm 32 trường, trong đó bậc tiểu học và THCS giảm 20 trường. Sở GD và ĐT cũng giảm 1 phòng chuyên môn, từ 10 phòng xuống còn 9 phòng. Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật đã được bàn giao về Sở LĐ-TB và XH quản lý. Hai trường dân tộc nội trú Lập Thạch và Tam Đảo chuyển về UBND cấp huyện quản lý; 7 Trung tâm GDTX và dạy nghề chuyển về UBND huyện quản lý. Nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh các trường THPT giao về trạm y tế cấp xã...
Trường THPT Quang Hà (Bình Xuyên) đã ổn định việc dạy và học sau sáp nhập. Ảnh: baovinhphuc.com.vn |
Tỉnh có quyết định sắp xếp tổ chức lại các trường trên địa bàn. Đáng chú ý, tỉnh đã bố trí sắp xếp lại cùng lúc 6 trường THPT. Hiện 6 trường được tổ chức lại hoạt động ổn định về mọi mặt, mỗi trường đều có phân hiệu 2, giữ nguyên cơ sở vật chất.
Tỉnh chỉ đạo ngành GD và ĐT, các ngành chức năng và các địa phương không được bổ nhiệm các hiệu trưởng, hiệu phó sai quy định, không tổ chức tuyển dụng giáo viên ồ ạt; từng bước tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
TP Hồ Chí Minh: Công bố ứng dụng kết nối cơ quan quản lý với người dân và doanh nghiệp
Ngày 15-11, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh công bố sử dụng 2 ứng dụng công nghệ trên nền tảng thiết bị thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, ứng dụng di động iSCT có nhiều tính năng nổi bật, cung cấp các thông tin về hoạt động của ngành Công thương thành phố; tìm hiểu, tra cứu thông tin và kết quả thủ tục hành chính đang thực hiện tại Sở Công thương; hỏi đáp, trao đổi thông tin, chính sách thuộc lĩnh vực ngành Công thương; thông tin về hoạt động khuyến mại đang diễn ra trên địa bàn; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về việc cung cấp các dịch vụ hành chính ngành Công thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong ứng dụng này có phần đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân. Người dân, doanh nghiệp có thể phản ánh hôm nay ngày nào doanh nghiệp tôi có đoàn kiểm tra và có việc nào chúng tôi không hài lòng, doanh nghiệp, người dân có thể chụp ảnh sự việc hoặc cán bộ thực thi nhiệm vụ gửi qua áp này cho chúng tôi và không cần lên Sở Công thương”.
Còn ứng dụng hỗ trợ, tìm kiếm thông tin chi tiết khuyến mại SaleNOW giúp người dân dễ tìm kiếm các thông tin, chi tiết về hàng hóa dịch vụ đang khuyến mại trên địa bàn thành phố.
Quảng Ninh: Đưa 3 dự án giao thông lớn vào hoạt động trong tháng 12
Ngày 14-11, sau khi đi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết sẽ đồng loạt đưa 3 dự án giao thông trọng điểm, mang tầm cỡ quốc tế của tỉnh vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 25 đến 30-12.
Các dự án gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai và đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn có tổng giá trị đầu tư lên tới 25 nghìn tỷ đồng. Cả ba dự án giao thông đường bộ, biển và đường hàng không đều do tư nhân thực hiện. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai lần đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, cụ thể là Tập đoàn Sun Group.
Khi đi vào hoạt động, công trình đóng vai trò kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hiện Quảng Ninh đã chi hơn 2.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với khối lượng thực hiện khoảng 90%, đủ điều kiện khởi công dự án./.
Theo baotintuc.vn