Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển dịch vụ giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ từ 41,2% lên 42,9%. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ ước tăng 14,2% và thu ngân sách từ dịch vụ ước tăng 16% cùng kỳ.
Tỉnh tập trung xây dựng, cải tạo mạng lưới giao thông; hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, cửa khẩu; đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho các cơ quan chuyên ngành như hải quan, kiểm dịch… để phát triển thương mại theo hướng chuyên nghiệp, tiến tới loại bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện cơ chế khuyến khích và ưu đãi để hoàn thiện cơ sở vật chất hệ thống các bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh; đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn trên các tuyến du lịch, đô thị; lắp đặt hệ thống wifi trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các khu, điểm du lịch. Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng bình quân 12,7%/năm. Tổng doanh thu ngành du lịch hai năm qua đạt hơn 31.185 tỷ đồng. Năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 12 triệu lượt, tổng doanh thu ước đạt 22.800 tỷ đồng.
Hưng Yên: Lần thứ 2 tổ chức lễ hội tôn vinh sản phẩm cam
Tại trung tâm huyện Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) đang diễn ra Lễ hội cam Hưng Yên năm 2018. Đây là lần thứ 2 tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ hội, nhằm khẳng định thương hiệu và tôn vinh sản phẩm cam và cây trái của vùng đất nhãn Phố Hiến.
Trước đây, cam Hưng Yên chủ yếu được trồng tại huyện Khoái Châu và Văn Giang với diện tích không lớn, nhưng những năm gần đây diện tích trồng cam của tỉnh không ngừng được mở rộng. Hiện nay cam đã được trồng tại 8/10 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng 1.600ha, sản lượng hàng năm trên 35 nghìn tấn.
Tại Hưng Yên hiện đã có hàng chục trang trại trồng cam với quy mô từ vài héc ta tới hàng chục héc ta, tiêu biểu như trang trại cam Bống Vàng, các trang trại của hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc ở xã Tam Đa, huyện Phù Cừ; trang trại cam Tam Thiên Mẫu của Cty TNHH Tam Thiên Mẫu ở xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ; trang trại cam của các hội viên hợp tác xã Quảng Châu, Thành phố Hưng Yên; trang trại cam bưởi của các hội viên hợp tác xã sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, huyện Kim Động...
Với phương thức canh tác tập trung, tại các vùng trồng cam lớn ở các huyện Kim Động, Khoái Châu, Phù Cừ, Thành phố Hưng Yên, các nhà vườn đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, không sử dụng hóa chất độc hại, thực hiện quy trình chăm sóc, thu hái sạch và an toàn.
Nhiều trang trại đã áp dụng thành công quy trình VietGAP cho sản phẩm thực sự sạch và an toàn. Theo đó đã sản xuất được giống cam cho năng suất, chất lượng, giá trị thương phẩm cao; mang lại nguồn thu nhập lớn cho các nhà vườn, với mức thu lãi mỗi năm từ 300 đến 500 triệu đồng/ha.
Lễ hội là dịp để các hợp tác xã, nhà vườn, hộ sản xuất, kinh doanh cam trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe những góp ý của người tiêu dùng, nhà kinh doanh phân phối để nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, gìn giữ và phát triển thương hiệu các nông sản của Hưng Yên./.
Theo nhandan.com.vn