Tỉnh Lạng Sơn hiện có tám vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Điển hình như vùng chuyên canh cây hồi ở ba huyện: Văn Quan, Bình Gia và Văn Lãng với tổng diện tích hơn 34 nghìn ha, sản lượng bình quân hằng năm từ 6.000-7.000 tấn hồi khô, tổng doanh thu đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Để phát triển vùng chuyên canh theo quy hoạch, tỉnh quan tâm thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp có quỹ đất, vốn tham gia đầu tư vào các loại cây mục tiêu. Tỉnh yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai kế hoạch cho vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi, tạo thuận lợi để các chủ trang trại, hộ gia đình nông dân đầu tư phát triển các vùng cây nguyên liệu.
TP Hồ Chí Minh: Đào tạo 32 nghề cho lao động nông thôn
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 4721/QĐ-UBND về việc bổ sung danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn. Theo đó, thành phố có 32 nghề đào tạo cho lao động nông thôn gồm 7 nghề nông nghiệp, 25 nghề phi nông nghiệp như: trồng hoa ứng dụng công nghệ cao; nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; điện dân dụng; may giày; cắt tóc nam căn bản; kỹ thuật đắp móng; chế biến hải sản khô… Năm 2018, thành phố sẽ đào tạo nghề cho 10.500 lao động nông thôn, trong đó có 2.556 người học nghề nông nghiệp và 7.944 người học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 80% trở lên. Ngoài ra, thành phố còn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp, nghiệp vụ quản lý, tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho 100 giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý đào tạo nghề quận - huyện và cán bộ hội, đoàn thể…
Hà Nội: Rà soát sử dụng viên chức tại các cơ sở giáo dục công lập
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5291/UBND-NC, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về việc tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập năm 2018. Theo đó, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD và ĐT, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát chính xác số liệu lớp học, số học sinh từng cấp học làm cơ sở xác định nhu cầu biên chế; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đảm bảo phù hợp, thuận tiện với điều kiện, hoàn cảnh của viên chức và đáp ứng yêu cầu theo quy định của bộ, ngành chức năng.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan rà soát số lượng công chức còn thiếu theo vị trí việc làm đã được phê duyệt tại các cơ quan Nhà nước từ thành phố tới cơ sở; tổng hợp và xác định nhu cầu biên chế đúng định mức quy định của bộ, ngành chức năng, có tính đến kết quả dự báo nhu cầu trong giai đoạn 2018-2021 và các năm tiếp theo.
Sau khi rà soát và tổng hợp kết quả, các đơn vị báo cáo Ban Tổ chức Thành ủy xin ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ dự thảo văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tham mưu, đề xuất báo cáo Thường trực Thành ủy xin ý kiến chỉ đạo./.
PV